Ảnh minh họa.
Theo Tòa án nhân dân Tối cao, khoản 2, khoản 3 Điều 66 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định tại Tòa án nhân dân Tối cao có Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; tại Tòa án nhân dân Cấp cao, Tòa án quân sự trung ương có Thẩm phán cao cấp. Theo quy định này thì ở Tòa án nhân dân Tối cao không có Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp; ở Tòa án nhân dân Cấp cao, Tòa án quân sự trung ương không có Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp.
Thực tiễn xét xử cho thấy các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Thẩm phán đều là những vụ án khó, phức tạp, đòi hỏi những người nghiên cứu, giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán phải có trình độ chuyên môn vững vàng, đã có kinh nghiệm xét xử các loại án (như các Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp).
Do đó, quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 66 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; không huy động được nguồn nhân lực là các Thẩm phán giàu kinh nghiệm xét xử, có trình độ chuyên môn đến làm việc tại các đơn vị Tòa án nhân dân Cấp cao và Tòa án nhân dân Tối cao.
Khoản 4 Điều 66 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định tại Tòa án nhân dân tỉnh có Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Tuy nhiên, pháp luật không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán sơ cấp công tác tại Toà án nhân dân cấp tỉnh. Thực tế, Toà án nhân dân Tối cao cũng không phân bổ biên chế Thẩm phán sơ cấp công tác tại Toà án nhân dân cấp tỉnh. Điều này tạo ra sự không thống nhất trong quy định pháp luật.
Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, khoản 5 Điều 68 Luật quy định người chưa là Thẩm phán trung cấp mà có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tại khoản 5 Điều 68 của Luật thì có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp là không hợp lý vì thẩm quyền xét xử của Thẩm phán cao cấp đều là các vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng nên nếu không có kinh nghiệm xét xử của Thẩm phán trung cấp sẽ rất khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khoản 6 Điều 68 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định trường hợp người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các Tòa án nhân dân, tuy chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật nhưng có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật này và điều kiện quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 68 thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp. Tuy nhiên, trên thực tế những người đang công tác tại các ngành khác khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử tại khoản 3 Điều 67, nếu buộc họ phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử mới được bổ nhiệm thì thiếu tính khả thi.
Ngoài ra, Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, trong đó, quy định đối với người trong hệ thống Tòa án phải: “Đã là Thẩm phán cao cấp từ đủ 05 năm trở lên”. Quy định này đã thu hẹp nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao từ các Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Bởi vì, theo quy định hiện nay, chỉ có Chánh án và 01 Phó Chánh án (đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì mới được cơ cấu Thẩm phán cao cấp.
Về nhiệm kỳ của Thẩm phán Điều 74 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Dự thảo đánh giá việc quy định nhiệm kỳ Thẩm phán như hiện hành tuy đã có đổi mới so với trước đây nhưng vẫn cần được cân nhắc thêm vì chưa tạo tâm lý yên tâm công tác cho các Thẩm phán. Trong khi đó, thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm lại tương đối dài. Mặt khác, Luật lại quy định thời gian để nâng ngạch Thẩm phán là 05 năm cũng là quá dài và khó xây dựng nguồn nhân sự trong thực tế.
Về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, Điều 75 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán; tuy nhiên, chưa có quy định về việc Thẩm phán được hưởng chính sách người có công trong trường hợp bị tổn hại sức khoẻ, tính mạng vì lý do thực hiện công vụ; chưa quy định đặc thù về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của Thẩm phán, đặc biệt là Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; Thẩm phán Tòa án nhân dân đã thực thi tố tụng đúng quy trình, quy định thì không bị xử lý trách nhiệm...
Vì vậy, tại dự thảo này, Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ Thẩm phán theo hướng xác định Thẩm phán là người thực hiện nhiệm vụ xét xử và thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Luật. Theo đó, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn: Thực hiện nhiệm vụ xét xử; tổng kết thực tiễn xét xử, áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; xây dựng và phát triển án lệ; quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; xem xét, quyết định các văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của luật; thực hiện nhiệm vụ tham gia, phục vụ công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo sự phân công của Chánh án Tòa án; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định về ngạch, bậc Thẩm phán theo hướng: Thẩm phán Tòa án nhân dân bao gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Thẩm phán và Thẩm phán dự bị.
Đồng thời, bổ sung quy định về bậc Thẩm phán theo hướng: Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao có 02 bậc, trong đó bậc 01 (khi được bổ nhiệm làm Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao); bậc 02 (sau 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao).
Thẩm phán có 08 bậc, từ bậc 01 đến bậc 08.
Thẩm phán dự bị có 01 bậc.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao theo hướng bổ sung tiêu chuẩn về thâm niên công tác pháp luật và số lượng vụ việc đã tham gia giải quyết, xét xử. Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán cho phù hợp với cơ cấu ngạch, bậc Thẩm phán mới.
THU HƯƠNG
Covid-19 chính thức được xem là bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội