Theo Bộ Tài chính, Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013; đồng bộ với đó là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước.
Luật giá được ban hành thay thế Pháp lệnh giá năm 2002 đã tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với các cam kết quốc tế.
Trong thời gian qua, công tác điều hành, quản lý giá đã góp phần kiểm soát lạm phát hàng năm theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô; hệ thống giá điện, nước sạch cho sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có lộ trình...
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn sau 9 năm thi hành Luật cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định. Nội dung một số Điều, Khoản còn có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho áp dụng thực hiện; hoặc một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn; hoặc hiện đã có một số vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải được thể chế tại Luật, cụ thể như sau:
- Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá: Thực tiễn cho thấy trong trường hợp đặt ra vấn đề phải sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, định giá thì các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định phải có đủ thời gian để thực hiện quy trình hiện hành; do đó, sẽ khó đáp ứng được ngay yêu cầu quản lý phát sinh từ thực tiễn.
- Về phạm vi và biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, hiệu quả chưa cao khi có phát sinh biến động giá của những mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với đời sống nhân dân và toàn xã hội, nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, khó khăn trong việc quyết định triển khai bình ổn giá. Theo đó, cả 2 tiêu chí là khi giá hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá biến động bất hợp lý ảnh hưởng đến ổn định kinh tế, xã hội là khó lượng hóa được tại thời điểm này, nhất là phải nhận diện yếu tố bất hợp lý.
- Đối với hoạt động định giá Nhà nước, việc định giá theo 2 phương pháp chủ đạo hiện hành là phương pháp so sánh và phương pháp chi phí còn khó khăn khi áp dụng đối với một số trường hợp định giá các dịch vụ (như dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục...); việc định giá trong một số trường hợp cũng cần tính đến các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội hoặc đời sống nhân dân nên cần thiết phải bổ sung nguyên tắc về lộ trình triển khai cơ chế giá thị trường tại Luật. Một mặt khác là các hình thức định giá (giá cụ thể, khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu) chưa đáp ứng được những phát sinh trong thực tiễn gần đây; như đối với giá xăng dầu, gas, than, một số mặt hàng nông sản, dịch vụ viễn thông... vẫn chưa hoàn toàn có sự cạnh tranh hoàn hảo cần phải có biện pháp quản lý, điều hành gián tiếp.
- Công tác hiệp thương giá đã góp phần khắc phục những khuyết tật của thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ độc quyền, cạnh tranh hạn chế, cả 2 bên mua – bán phụ thuộc lẫn nhau nhưng vẫn còn có bất cập về phạm vi áp dụng và giá trị pháp lý của mức giá hiệp thương.
- Biện pháp kê khai giá thể hiện rất rõ chủ trương quản lý, điều hành giá gián tiếp, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước. Theo quy định hàng hóa thuộc diện kê khai do Doanh nghiệp tự định và gửi bản kê khai đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, thực tế là chưa phát huy được hết hiệu quả đối với cả cơ quan quản lý và cả phía đơn vị thực hiện. Theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc kê khai chỉ là cung cấp thông tin về giá để có ngay các giải pháp điều hành, bình ổn giá, vì vậy cần tiếp tục củng cố khâu tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả.
Đối với công tác kiểm tra, thanh tra giá: Tại Luật giá chưa có các quy định cụ thể về công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá; một số chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá và thẩm định giá vẫn còn chưa đủ chặt chẽ, đảm bảo theo kịp với sự phát triển, thay đổi không ngừng của kinh tế xã hội nói chung cũng như từng ngành nghề nói riêng. Do vậy, công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá luôn gặp khó khăn nhất định; nhất là khi phát sinh các yêu cầu về đánh giá nắm bắt chi phí giá thành, công tác định giá của doanh nghiệp để phục vụ triển khai các giải pháp điều hành, bình ổn giá thị trường. Trong bối cảnh quản lý giá bằng các biện pháp vĩ mô, trao nhiều quyền chủ động cho doanh nghiệp thì việc tăng cường công tác hậu kiểm là cần thiết được chú trọng hơn nữa...
Trên cơ sở việc đánh giá chi tiết cho thấy việc ban hành Luật giá (sửa đổi) là cần thiết vì những lý do sau:
- Khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật giá và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.
- Để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
- Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế là một nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.
- Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
PV
Mức xử phạt đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc