Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 1: "7. Đối với thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết thỏa thuận khung với nhà thầu trúng thầu thực hiện theo quy định tại Thông tư này. Các nội dung liên quan đến lập kế hoạch nhu cầu; ký kết hợp đồng với nhà cung ứng; quản lý việc sử dụng, tạm ứng, thanh toán và quyết toán chi phí thuốc kháng HIV; chế độ, nguồn kinh phí và phương thức hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện theo Thông tư số 22/2020/TT-BYT ngày 2/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế".
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 43 về tổng hợp nhu cầu sử dụng thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Theo đó, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổng hợp nhu cầu sử dụng thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; Cục Phòng, chống HIV/AIDS hướng dẫn lập kế hoạch nhu cầu sử dụng và tổng hợp nhu cầu sử dụng đối với thuốc kháng HIV thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 46 - Thẩm định, phê duyệt kết quả đàm phán giá và tổ chức thực hiện kết quả đàm phán giá thuốc. Cụ thể, Khoản 5 về giám sát, điều tiết quá trình thực hiện thỏa thuận khung được quy định như sau:
- Đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá, trừ thuốc thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này, thực hiện theo quy định tại Khoản 13 Điều 40 Thông tư này;
- Đối với thuốc kháng HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố phối hợp với Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia có trách nhiệm giám sát, điều tiết việc cung ứng thuốc kháng HIV tại các cơ sở y tế theo thỏa thuận khung đã ký kết trên nguyên tắc như sau:
+ Trường hợp cơ sở y tế của địa phương, cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế, cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành quản lý đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là đơn vị thuộc phạm vi cung cấp) có nhu cầu sử dụng thuốc vượt 20% số lượng thuốc được phân bổ trong thỏa thuận khung thì phải báo cáo cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố để tổng hợp và điều tiết số lượng thuốc giữa các đơn vị thuộc phạm vi cung cấp nhưng bảo đảm không vượt quá 20% tổng số lượng được phân bổ trong thỏa thuận khung cho các đơn vị thuộc phạm vi cung cấp. Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều tiết của cơ sở y tế, cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố phải có văn bản trả lời đơn vị;
+ Trường hợp nhu cầu sử dụng thuốc của các đơn vị thuộc phạm vi cung cấp vượt quá khả năng điều tiết của cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố hoặc cơ sở y tế phát sinh nhu cầu sử dụng mặt hàng thuốc nhưng chưa tổng hợp nhu cầu khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc thì phải báo cáo Cục Phòng, chống HIV/AIDS để điều tiết số lượng thuốc giữa các đơn vị. Trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đề nghị điều tiết của cơ sở y tế, cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố báo cáo Cục Phòng, chống HIV/AIDS theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều tiết của cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phải có văn bản trả lời đơn vị.
Tổng số lượng thuốc được Cục Phòng, chống HIV/AIDS điều tiết cho tất cả các cơ sở y tế không vượt quá 30% tổng số lượng đã được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuốc. Việc điều tiết thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
VĂN QUANG
Hà Nội: Yêu cầu người làm ở vị trí nguy cơ cao test nhanh Covid-19 3 lần/ngày