Đây là thông tin được đề cập trong Công văn của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kinh nghiệm quốc tế về quản lý KOL (người có tầm ảnh hưởng) trên mạng xã hội, đề xuất các giải pháp, quản lý sử dụng KOL tại Việt Nam của Bộ TT&TT.
Theo Bộ TT&TT, ngoài việc chú trọng công tác quản lý sử dụng KOL theo khuôn khổ pháp luật và chuẩn mực quy tắc ứng xử, cũng cần xem xét, khuyến khích sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các KOL, người nổi tiếng. Sự kết nối này sẽ giúp phát huy thế mạnh và tầm ảnh hưởng của nhóm người này trong hoạt động truyền thông chính sách, lan tỏa thông tin, thông điệp chính thống và các chuẩn mực tới cộng đồng, xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Dựa trên những kinh nghiệm quốc tế về quản lý KOL và thực tiễn tại Việt Nam, Bộ TT&TT đề xuất các giải pháp về quản lý, sử dụng KOL trên môi trường mạng, bao gồm việc tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật đối với công tác quản lý KOL trên không gian mạng nói riêng và mạng xã hội nói chung, từ đó đưa hoạt động của những người này vào khuôn khổ, có định hướng đúng.
Về trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng, theo Bộ TT&TT cần có các quy định bổ sung. Việc truyền tải phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo; phân biệt quảng cáo với các nội dung thông tin khác; đồng thời thông báo trước cho người tiêu dùng về việc thực hiện quảng cáo; người nổi tiếng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận trên mạng xã hội về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm; quan trọng hơn, các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được hoạt động quảng cáo, livestream quảng cáo…
Về những quy định để quản lý hoạt động livestream trên mạng xã hội, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP đang được trình Chính phủ, Bộ TT&TT đã bổ sung những yêu cầu chặt chẽ hơn, trong đó các nền tảng mạng xã hội phải xác thực tài khoản, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin... qua đó, điều chỉnh hoạt động của người sử dụng mạng xã hội nói chung và KOL nói riêng khi tham gia mạng xã hội.
Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và giao dịch điện tử, trong đó bổ sung các hành vi vi phạm và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể vi phạm (bao gồm người nổi tiếng, KOL).
Bộ TT&TT cho rằng, để quản lý hiệu quả không gian mạng cần có sự tham gia tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có việc quản lý KOL trên không gian mạng; đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kết nối, phổ biến và hướng dẫn cho KOL về các chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật để họ biết và tuân thủ, qua đó tăng hiệu quả quản lý và hỗ trợ phát triển đúng hướng.
Trước các đề xuất của Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 5764/VPCP-KGVX về việc báo cáo kinh nghiệm quản lý quốc tế về quản lý KOL trên không gian mạng và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng KOL tại Việt Nam, ngày 14/8/2024) truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về vấn đề này.
Bên cạnh việc giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, từ đó chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Bộ gồm Bộ TT&TT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Công thương, Tài chính, Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ quản lý hoạt động của các KOL trên không gian mạng theo quy định pháp luật...