Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại dự thảo, Bộ NN&PTNT đề xuất nâng mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất hiện nay (1,25 - 2 lần hiện tại), phân theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi để có mức hỗ trợ phù hợp.
Bộ NN&PTNT cho biết, mức hỗ trợ quy định từ năm 2017, trong khi giá thị trường hiện nay đã biến đổi rất nhiều, do vậy mức hỗ trợ trong nghị định là thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi, hình thức nuôi chưa được quy định trong Nghị định dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Mức hỗ trợ với dịch bệnh là cố định trong khi giá thị trường luôn biến động gây khó khăn khi xảy ra dịch do nếu mức hỗ trợ cao hơn so với giá thị trường có thể xuất hiện tình trạng người chăn nuôi không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch làm dịch bệnh lây lan để nhận hỗ trợ; nếu mức hỗ trợ quá thấp so với giá thị trường có thể xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm bệnh làm lây lan dịch.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề xuất nâng mức hỗ trợ lên 1,25 - 2 lần hiện tại. Cụ thể như sau:
Hỗ trợ đối với cây lúa: Diện tích lúa thuần: Sau gieo trồng từ 01 đến 10 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha. Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha. Sau gieo cấy trên 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.
Diện tích lúa lai: Sau gieo trồng từ 01 đến 10 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha. Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 3.500.000 đồng/ha. Sau gieo trồng trên 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 9.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 4.500.000 đồng/ha. Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.
Cây hàng năm khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.
Đối với cây trồng lâu năm, vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha. Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh, vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha. Cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
Hỗ trợ đối với cây trồng lâm nghiệp được đề xuất như sau: Diện tích cây rừng chưa đến tuổi khai thác, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha. Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha, bị thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 25.000.000 đồng/ha.
Hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản: Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng/ha. Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 18.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng/ha. Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng/ha.
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 40.000.000 - 50.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng/ha. Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 50.000.000 - 65.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 40.000.000 - 45.000.000 đồng/ha…
Hỗ trợ đối với sản xuất muối: Diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70% hỗ trợ 3.000.000 đồng /ha; thiệt hại từ 30% – 70% hỗ trợ 2.500.000 đồng/ha.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Nghị định này được xem xét hỗ trợ thông qua cơ chế, chính sách về thuế và các chính sách khác do HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định.
TRẦN VŨ
Tạo điều kiện tạm ứng tối đa cho nhà thầu dự án sử dụng vốn đầu tư công