Ảnh minh họa.
Bộ Công thương cho biết, để thi hành Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường và Nghị định số 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 148/2016/NĐ-CP (gọi chung là Nghị định số 148/2016/NĐ-CP sửa đổi). Về cơ bản, Nghị định số 148/2016/NĐ-CP sửa đổi đã đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể hoá các điều khoản được giao trong Pháp lệnh Quản lý thị trường, tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho giai đoạn kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường - một trong những lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại ở thị trường trong nước.
Sau gần 5 năm triển khai thi hành Nghị định số 148/2016/NĐ-CP, một số vấn đề pháp lý đã phát sinh, đòi hỏi phải được nhanh chóng xử lý, khắc phục để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng và thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh Quản lý thị trường quy định: “Người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ được ban hành quyết định kiểm tra”.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Theo quy định của Luật, ngoài các chức danh Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 45 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chức danh Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường sẽ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.
Để thi hành quy định của Luật một cách kịp thời, thống nhất, hiệu quả và tăng cường sự chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm hành chính của các Phòng nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, việc cho phép người đứng đầu các đơn vị này được ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại là cần thiết.
Với những yêu cầu đặt ra như trên, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường thay thế Nghị định số 148/2016/NĐ-CP và Nghị định số 78/2019/NĐ-CP là cần thiết.
Quy định rõ thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể các chức danh thuộc lực lượng Quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra bao gồm:
- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường;
- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường gồm: Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Trưởng Phòng nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội Quản lý thị trường chuyên ngành; Đội Quản lý thị trường cơ động.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về ngạch công chức Quản lý thị trường, bao gồm 4 ngạch: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; Kiểm soát viên chính thị trường; Kiểm soát viên thị trường và Kiểm soát viên trung cấp thị trường.
Đối với cấp hiệu và trang phục Quản lý thị trường, dự thảo Nghị định quy định cụ thể và chi tiết về mẫu, quy cách trang phục, cấp hiệu của lực lượng Quản lý thị trường.
NGỌC ANH
Mở cửa nhập cảnh, nối lại chuyến bay quốc tế sau một ngày tạm dừng