Theo Bộ Tài chính, với vị thế là cố đô của đất nước, di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của các địa phương, nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để trùng tu, bảo tồn các công trình cố đô, cùng nhiều di sản cấp quốc gia và nhiều công trình đặc thù về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên,... đòi hỏi nguồn lực lớn. Bên cạnh đó, công tác quản lý dự án phức tạp, kéo dài, hoạt động quản lý tài chính cũng cần phải có những đặc thù riêng.
Do đó, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế không chỉ góp phần tạo cơ sở để thu hút thêm nguồn lực phục vụ cho công tác trùng tu các di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ, mà còn giúp khắc phục được những vướng mắc trong quản lý tài chính nếu sử dụng thuần túy nguồn ngân sách nhà nước, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị, phục vụ cho nhân dân trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo dự thảo, Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
Quỹ bảo tồn di sản Huế hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ bảo tồn di sản Huế có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Dự thảo đề xuất các nhiệm vụ của Quỹ bảo tồn di sản Huế gồm: Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ theo quy định; tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ; thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; công bố công khai về quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế, báo cáo tình hình thực hiện quỹ theo quy định tại Nghị đinh này và quy định của pháp luật có liên quan; các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Nguồn tài chính của Quỹ gồm: Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (không bao gồm ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế); nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thu lãi từ tài khoản tiền gửi; các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
Các nội dung chi của Quỹ bao gồm: Thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế do nhà nước quản lý và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ; thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế không do nhà nước quản lý; thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế cụ thể theo yêu cầu của bên tài trợ.
Trước đó, tại Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 29/12/2021, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế và cho phép áp dụng theo trình tự thủ tục rút gọn. Việc xây dựng Nghị định cũng là nhằm triển khai Nghị quyết 38/2021/QH15 gày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
MINH HIỀN
Kiểm điểm tổ chức, cá nhân chậm trễ mua vaccine cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi