/ Kinh tế - Pháp luật
/ Đề xuất thí điểm cấp huyện thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về vốn

Đề xuất thí điểm cấp huyện thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về vốn

31/10/2023 15:01 |

(LSVN) - Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ảnh minh hoạ. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về các chương trình MTQG. Đánh giá chung về tình hình thực hiện các chương trình MTQG từ kỳ họp thứ 5 đến nay, Phó Thủ tướng cho biết đã có những chuyển biến "rất tích cực", đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển cơ bản được tháo gỡ. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã thông báo dự kiến vốn sự nghiệp giai đoạn 2024-2025 cho các địa phương để các địa phương chủ động bố trí phần vốn đối ứng.

Về phân cấp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh từ đầu năm đến nay, tất cả những văn bản được sửa đổi, ban hành, trong đó có Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ, bổ sung Nghị định 27/2022/NĐ-CP, đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực, bởi lẽ chỉ có ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong việc lồng ghép các chương trình trong cùng một cấp có thẩm quyền. 

Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình.

Đối với tỉ lệ vốn Trung ương - địa phương, Phó Thủ tướng cho biết mỗi chương trình quy định tỉ lệ vốn đối ứng của các địa phương khác nhau. Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của các địa phương trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng nêu rõ các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và được áp dụng theo luật, nên chỉ trường hợp cá biệt mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt. 

Ngoài ra, liên quan đến việc chuyển vốn, Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn năm 2022 đến hết ngày 31/12/2024 để tránh bị cắt nguồn vốn sự nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, trong khi mục tiêu đặt ra rất lớn lao.

PV

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và bài toán khó về chính sách tiền tệ

 

Nguyễn Mỹ Linh