/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất thí điểm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới từ năm học 2025 - 2026

Đề xuất thí điểm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới từ năm học 2025 - 2026

16/02/2024 15:08 |

(LSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non. Trong đó đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, từ năm học 2025 - 2026 đến năm học 2027 - 2028 thí điểm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới ở một số cơ sở giáo dục mầm non.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non hiện hành; tổng quan chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về đổi mới chương trình giáo dục mầm non; nghiên cứu cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới chương trình giáo dục mầm non; xây dựng quan điểm, định hướng đổi mới chương trình giáo dục mầm non; tổ chức thử nghiệm một số nội dung mới và hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới; thẩm định chương trình giáo dục mầm non mới trước khi thí điểm.

Thí điểm thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới gồm các nội dung:

- Xây dựng quy trình thí điểm. Lựa chọn các đơn vị thí điểm.

- Xây dựng tài liệu, tập huấn hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới (thí điểm).

- Hỗ trợ các đơn vị thí điểm đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

- Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện thí điểm. 

- Tổng kết, đánh giá việc thí điểm thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

Ban hành, triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới như sau: Hoàn thiện, ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

Đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non mới thông qua hoạt động tập huấn, hướng dẫn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới; Ban hành Đề án đổi mới chương trình giáo dục mầm non và các đề án khác có liên quan nhằm bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non mới; Rà soát, chỉnh sửa bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để quy chuẩn các điều kiện và nguồn lực để đầu tư các điều kiện về đội ngũ; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ chơi; tổ chức hoạt động cơ sở giáo dục để đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

Về lộ trình thực hiện, từ năm học 2025 - 2026 đến năm học 2027 - 2028 thí điểm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới ở một số cơ sở giáo dục mầm non.

Từ năm học 2029 - 2030, bắt đầu triển khai áp dụng đại trà chương trình giáo dục mầm non mới trên phạm vi toàn quốc.

Kinh phí thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội. Kinh phí từ ngân sách nhà nước được nêu trong dự toán ngân sách hằng năm do Chính phủ trình Quốc hội theo quy định của Luật ngân sách nhà nước;

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non mới.

VĂN QUANG

Điều tra làm rõ 100% các vụ án đặc biệt nghiêm trọng dịp Tết Nguyên đán

Bùi Thị Thanh Loan