Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, tại hội nghị, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số, xã hội số và toàn cầu hóa, các hình thức việc làm ngày càng đa dạng. Một trong những vấn đề quan tâm nhất hiện nay là về chuyển đổi việc làm. Hiện nay, nhiều đoàn viên, người lao động đang làm ở doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu thì người lao động cần học tập nâng cao trình độ. Ngoài ra, một vấn đề khác cần quan tâm là khi người lao động bị thất nghiệp thì quyền lợi của họ như nào để duy trì cuộc sống. Không chỉ vậy, cùng với quá trình chuyển đổi số Việt Nam tiếp cận các công việc liên quan đến công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số… thì vấn đề việc làm phải được chuyển đổi như nào để lực lượng lao động, chủ yếu là trong lĩnh vực thâm dụng lao động để họ có được cơ hội, điều kiện việc làm tốt hơn.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp nêu lên việc không đồng nhất các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động trong thời gian nghỉ sinh được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Điều này không đảm bảo sự đồng nhất về chế độ của 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp), đồng thời doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí để trả trợ cấp thôi việc cho thời gian nghỉ thai sản của người lao động là không thống nhất với chế độ của bảo hiểm xã hội. Để bảo vệ quyền lợi người lao động, cũng là để đồng nhất giữa các luật, đề xuất đưa thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Góp ý thêm vào nội dung này, một số ý kiến khác cho rằng, tại Việt Nam, tỉ lệ thất nghiệp thấp so với các nước đang phát triển, nhưng chất lượng việc làm, thu nhập không cao. Hiện nay, quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn dư khá lớn - điều này thể hiện có thể việc tiếp cận được hưởng còn khó khăn. Ngoài ra, mức chi trả còn thấp, chưa tập trung nhiều vào người tham gia đóng góp vào quỹ.
Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này không chỉ tập trung vào việc giải quyết các bất cập hiện tại mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động thông qua việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm, nâng cao tay nghề và mở rộng các chính sách an sinh xã hội. Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện với mục tiêu tối ưu hóa chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc làm... đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong mọi tình huống.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 130 điều (Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều). Dự thảo luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới.
PHƯƠNG THANH (t/h)