Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Pháp luật Việt Nam hiện hành công nhận quyền sở hữu nhà chung cư lâu dài. Theo quy định tại khoản 13 Điều 3, Điều 9 Luật Nhà ở năm 2014, chủ sở hữu nhà chung cư là chủ sở hữu căn hộ chung cư, chủ sở hữu diện tích khác trong nhà chung cư. Đối với nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án để cho thuê mua, để bán thì không cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư mà cấp giấy chứng nhận cho người thuê mua, người mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa cho thuê mua, chưa bán; trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Luật sư Hậu cho rằng, Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định phù hợp khi xác định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất, theo đó công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có th ời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc công nhận sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn. Vì vậy, nên giữ nguyên quy định của Luật Nhà ở năm 2014 quy định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất, theo đó công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc công nhận quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn. Điều này phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời cũng đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đa số người dân muốn sở hữu nhà chung cư không có thời hạn, để cho các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, hạn chế phát sinh “tâm lý bất an” trong xã hội.
Bên cạnh đó, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người dân, cần phải xây dựng thêm các quy định về trình tự đăng ký quyền sở hữu, thay đổi nội dung đăng ký quyền sở hữu đối với nhà chung cư và quy định bảo đảm quyền sở hữu của người dân trong các trường hợp cần phải tu sửa nhà chung cư xuống cấp. Phải bảo đảm sau khi tu sửa, xây mới nhà chung cư thì người dân vẫn có quyền sở hữu đối với nhà chung cư mới, hạn chế tình trạng người dân bị buộc phải miễn cưỡng bán lại quyền sở hữu của mình.
Đồng ý kiến với Luật sư Hậu, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn, đầu tư và xây dựng Việt Vương cũng cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành về thời hạn sở hữu và bổ sung các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo, đầu tư, xây mới với chung cư hết niên hạn sử dụng.
Cụ thể, giữ nguyên quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phép phát triển cả 2 loại hình nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài và nhà chung cư sở hữu có thời hạn. Cần quy định rõ thời hạn sử dụng, cải tạo nhà chung cư cũ, quy trình, vốn đầu tư nhà ở xã hội. Không nên vì khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong nhiều năm qua mà lại đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn để Nhà nước dễ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ…
Ngoài ra, nên tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất. Sử dụng chung cơ có thời hạn còn sử dụng đất vẫn lâu dài, khi chung cư xuống cấp thì cưỡng chế sửa chữa. Cần quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền đánh giá về niên hạn, việc xuống cấp nhà chung cư. Khi nhà chung cư cần phải sửa chữa hay xây dựng lại thì người dân phải được bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chính chỗ đó. Vì vậy, các chính sách về việc đền bù, di dời, hỗ trợ người dân cũng cần phải quy định rõ.
Cũng bày tỏ sự không đồng tình với quy định về thời hạn sở hữu chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho rằng hiện nay dự thảo chỉ quy định thời hạn sở hữu chung cư đối với các chung cư chưa được cấp phép xây dựng, các chung cư đã được đưa vào sử dụng trước thời điểm dự thảo có hiệu lực sẽ không bị áp dụng thời hạn sử dụng. Điều này có thể dẫn tới tình trạng người dân thay vì bỏ ít tiền để sở hữu chung cư có thời hạn, họ chấp nhận bỏ nhiều tiền để sở hữu một nhà mặt đất bảo đảm quyền lợi cho con cái họ sau này hoặc một chung cư xuống cấp nhưng được sở hữu lâu dài. Và phương án này dường như chỉ thích hợp với những người có điều kiện kinh tế, còn đối với những người khác thì đây có thể là một rào cản khá lớn khi họ muốn sở hữu một căn nhà tại các thành phố lớn.
Theo đó, Luật sư Tiền cho rằng, các quy định về nhà chung cư cũng như việc cải tạo nhà chung cư đã được quy định quá rõ ràng, vì vậy, nên tiếp tục giữ nguyên chính sách cho phép phát triển cả 2 loại nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài hoặc nhà chung cư sở hữu có thời hạn để bảo đảm chính sách nhà ở nhất quán và có tính kế thừa.
HỒNG HẠNH