Ảnh minh họa.
Cụ thể, Dự thảo đề xuất các mức phân loại phim như sau:
1. Loại P: phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
2. Loại K: phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
3. Loại T13: phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên (13+);
4. Loại T16: phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên (16+);
5. Loại T18: phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên (18+);
6. Loại C: phim không được phép phổ biến.
Nguyên tắc đánh giá, phân loại một bộ phim hoặc một nội dung được đánh giá dựa trên cách thể hiện, thời lượng, tần suất, mức độ chi tiết hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, lời thoại và mức độ tác động của bộ phim hoặc nội dung đối với khán giả xem phim. 8 nội dung phân loại gồm: Chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; kinh dị; hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; hình ảnh nguy hiểm dễ bắt chước; Nội dung khác.
Về nội dung khác, dự thảo quy định: Nếu tiêu đề của bộ phim có thể kích động sự phân biệt chủng tộc, hằn thù tôn giáo, hành vi phạm tội hoặc khuyến khích sự quan tâm của người xem đến hoạt động tình dục trái phép hoặc sự lạm dụng, bạo lực vô cớ hoặc trái với thuần phong mỹ tục thì Hội đồng thẩm định sẽ yêu cầu thay đổi tiêu đề như một điều kiện để phân loại.
Ngoài ra, Đối với các phim có nội dung bổ sung (phim kết hợp trò chơi điện tử), định dạng màn hình hoặc bản trình bày trực quan của bộ phim/nội dung gửi đến phân loại cũng là căn cứ để tiến hành thay đổi mức phân loại. Ví dụ nếu hình ảnh được xử lý theo định dạng 3D hoặc được hiển thị trên tỷ lệ khung hình đã bị thay đổi như trên màn hình IMAX, hoặc nếu tác phẩm được thể hiện như một trải nghiệm như một phần của VR tuyến nhập vai (thực tế ảo).
PV