Đề xuất tổ chức, hoạt động Cảng vụ đường thủy nội địa

22/02/2021 14:49 | 3 năm trước

(LSVN) - Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.

Ảnh minh họa. 

Theo dự thảo, phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam bao gồm các cảng, bến (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp giấy phép hoạt động: Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thuỷ nội địa quốc gia; Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa quốc gia; Cảng, bến, khu neo đậu có vùng đất, vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia và đường thủy nội địa địa phương, cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa quốc gia; cảng, bến, khu neo đậu khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thuỷ nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải bao gồm các cảng, bến (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp giấy phép hoạt động: Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thuỷ nội địa địa phương; Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thuỷ nội địa chuyên dùng nối với đường thuỷ nội địa địa phương; Cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa địa phương; Cảng, bến, khu neo đậu khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Cảng vụ đường thuỷ nội địa có nhiệm vụ quy định nơi neo đậu cho phương tiện thủy nội địa (phương tiện), tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu.

Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động đối với: Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường, bao gồm các loại giấy tờ, thiết bị, dụng cụ theo quy định; thuyền viên và người lái phương tiện, bao gồm: giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, danh bạ thuyền viên; phương tiện, thiết bị xếp dỡ hàng hóa, người điều khiển thiết bị xếp dỡ hàng hóa, bao gồm giấy tờ của phương tiện, thiết bị, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển thiết bị xếp dỡ.

Bên cạnh đó, cấp giấy phép, lệnh điều động cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến, khu neo đậu; không cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài, vào, rời cảng, bến, khu neo đậu khi cảng, bến, khu neo đậu hoặc phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài không bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc cảng, bến, khu neo đậu không đủ điều kiện hoạt động theo quy định (trừ trường hợp phương tiện bị sự cố, tai nạn, hư hỏng đe dọa mất an toàn); tiếp nhận và thông báo tình hình luồng cho thuyền viên, người lái phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài tại cảng, bến, khu neo đậu…

Cơ cấu tổ chức

Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức bộ máy của Cảng vụ đường thủy nội địa bao gồm:

1- Các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ gồm: Tổ chức – hành chính, Tài chính; Pháp chế - An toàn; Quản lý cảng, bến (Tùy theo điều kiện cụ thể có thể thành lập bổ sung bộ phận nghiệp vụ khác);

2- Các Đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

Đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa được sử dụng con dấu riêng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thuỷ nội địa. Tùy theo yêu cầu và địa bàn quản lý thực tế, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa quyết định tổ chức các Tổ Cảng vụ đường thuỷ nội địa tại Đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, Đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa thuộc quyền quản lý theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức thuộc Cảng vụ.

Dự thảo nêu rõ, Cảng vụ đường thuỷ nội địa có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Giám đốc là người đứng đầu Cảng vụ, lãnh đạo công tác của Cảng vụ, chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cảng vụ. Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công. 

Bộ phận chuyên môn nghiệp vụ có Trưởng bộ phận và không quá 2 Phó trưởng bộ phận. Đại diện Cảng vụ đường thuỷ nội địa có Trưởng Đại diện và không quá 2 Phó Trưởng Đại diện.

LINH CHI 

Che lấp biển số xe bị phạt tới 1 triệu đồng