Theo đó, để khắc phục các hạn chế, bất cập của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP về hình thức đấu giá trực tuyến và tiếp cận với mô hình đấu giá trực tuyến hiện đại, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục đấu giá bằng hình thức trực tuyến đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên môi trường internet.
Cụ thể, tổ chức ĐGTS đăng ký tham gia hệ thống mạng ĐGTS quốc gia để tổ chức đấu giá trực tuyến. Người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá trên hệ thống mạng ĐGTS quốc gia.
Người tham gia đấu giá được cấp tài khoản truy cập để xem tài sản đấu giá, Quy chế cuộc đấu giá, Thông báo công khai việc đấu giá; được hướng dẫn cách sử dụng tài khoản để thực hiện việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước thông qua các hình thức thanh toán trực tuyến, cách thức tham gia đấu giá, trả giá và các nội dung cần thiết khác khi tham gia hệ thống mạng ĐGTS quốc gia.
Người tham gia đấu giá sử dụng tài khoản truy cập thực hiện việc trả giá theo phương thức đấu giá, thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá và thời điểm kết thúc đấu giá, bước giá đã công bố và các việc liên quan khác theo Quy chế cuộc đấu giá.
Dự thảo Nghị định quy định tổ chức ĐGTS phân công đấu giá viên, Hội đồng ĐGTS, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công thành viên điều hành cuộc đấu giá trên hệ thống mạng ĐGTS quốc gia theo Quy chế cuộc đấu giá.
Để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, kết quả cuộc đấu giá trực tuyến được đăng công khai trên hệ thống hệ thống mạng ĐGTS quốc gia và được gửi vào địa chỉ thư điện tử của người tham gia đấu giá đã đăng ký với tổ chức ĐGTS, Hội đồng ĐGTS, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ngay sau khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá trên hệ thống mạng ĐGTS quốc gia.
HỒNG HẠNH
Đề xuất công khai các thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh