Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, tại quy định chuyển tiếp thuộc nội dung Điều 3, dự thảo đề xuất tự động gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định đối với ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải. Theo nội dung sửa đổi ghi trong dự thảo, các giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định đã cấp cho nhóm phương tiện nêu trên trước ngày 22/3 và có hiệu lực đến trước ngày 01/7/2024 thì được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn tính theo chu kỳ kiểm định mới.
Trước đó tại nội dung Thông tư 02/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 22/3, chu kỳ kiểm định định kỳ của ôtô chở người các loại đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải có thời gian sản xuất đến 7 năm đã được nâng lên thành 24 tháng thay vì 18 tháng theo quy định cũ.
Như vậy nếu dự thảo này được thông qua, giả sử ôtô gia đình dưới 9 chỗ ngồi có thời gian sản xuất dưới 7 năm và dự kiến hết hạn kiểm định theo chu kỳ hiện tại vào ngày 30/6/2024 thì sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định thêm 6 tháng. Trong trường hợp nói trên, ngày đến hạn kiểm định của phương tiện sẽ tự động chuyển thành ngày 31/12/2024 theo quy định mới về chu kỳ kiểm định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT.
Tuy nhiên, các phương tiện có hạn kiểm định rơi vào trước thời điểm Thông tư 02/2023/TT-BGTVT có hiệu lực sẽ không được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới. Tài xế hoặc các chủ sở hữu của khoảng 155.000 phương tiện thuộc nhóm này vẫn phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để được cấp giấy chứng nhận cùng tem kiểm định trước khi áp dụng chu kỳ kiểm định mới theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT.
Ngoài ra, theo thống kê của Cục Đăng kiểm, có gần 1,4 triệu ôtô đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải dự kiến được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng trong trường hợp dự thảo nói trên được thông qua. Như vậy, các đơn vị đăng kiểm sẽ có thể tập trung thời gian và nguồn lực để kiểm định cho các xe kinh doanh vận tải và các phương tiện khác đã hết hạn đăng kiểm nhưng chưa được kiểm định.
PV
Từ hôm nay sẽ bị hủy lịch hẹn đăng kiểm nếu không nhập số giấy kiểm định xe