/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất văn phòng công chứng được khai thác thông tin về vân tay, mống mắt của cá nhân

Đề xuất văn phòng công chứng được khai thác thông tin về vân tay, mống mắt của cá nhân

25/06/2024 14:31 |

(LSVN) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quyền kết nối, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để hỗ trợ việc xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh trong hoạt động công chứng nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề về an ninh quốc gia.

Ảnh minh họa.

Ngày 25/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). 

Góp ý tại dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng cần xem xét bổ sung điều khoản về tạm dừng hoạt động của văn phòng công chứng tại Chương 3 dự thảo Luật. Bởi hiện nay, phần lớn các văn phòng công chứng chỉ có một Công chứng viên vừa thực hiện nhiệm vụ của Công chứng viên, vừa kiêm nhiệm trưởng phòng.

Việc không thu hút được Công chứng viên làm việc, gắn bó lâu dài với văn phòng công chứng là do chưa có sự cạnh tranh về chế độ đãi ngộ cũng như tiền lương, tiền thưởng so với các văn phòng công chứng khác trên địa bàn. Trường hợp Công chứng viên nghỉ việc, trong khi phòng công chứng chỉ có một Công chứng viên thì khó có thể duy trì hoạt động liên tục.

Do đó, Đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp tạm ngừng hoạt động của văn phòng công chứng và phương án xử lý các vấn đề phát sinh về hoạt động của văn phòng công chứng, giải quyết yêu cầu công chứng trong thời gian tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, Đại biểu cũng đề nghị bổ sung việc liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quyền khai thác cơ sở dữ liệu vào dự thảo Luật theo hướng cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quyền kết nối, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để hỗ trợ việc xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh trong hoạt động công chứng nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề về an ninh quốc gia.

Góp ý về quyền và nghĩa vụ Công chứng viên tại Điều 16, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, quy định này trùng với nội dung tại khoản 4 Điều 4 của dự thảo Luật, do đó cần cân nhắc việc lặp lại quy định này. Đồng thời nếu giữ nguyên quy định này tại điểm k thì cần cân nhắc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm, bởi công chứng giao dịch không đúng sẽ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người thứ 3 mà không chỉ với người yêu cầu công chứng.

Về việc Công chứng viên rút vốn khỏi Văn phòng công chứng (khoản 2 Điều 26), đại biểu cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến làm mất quyền của các Công chứng viên hợp danh về rút vốn khỏi Văn phòng công chứng khi mà Văn phòng chỉ còn dưới 04 Công chứng viên. Vì vậy, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này để bảo đảm quyền được rút vốn bình đẳng, công bằng của các Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng.

Về thủ tục công chứng giao dịch, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần quy định cụ thể hơn và bày tỏ băn khoăn với trường hợp tổ chức hành nghề công chứng không liên hệ được với người lập di chúc để thỏa thuận về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc thì xử lý thế nào? Vì thực tế, một số người sau khi lập di chúc và giao cho tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ thì họ có thể chuyển nơi khác ở, hoặc đi nước ngoài… Đồng thời, theo đại biểu, cần quy định cụ thể việc tổ chức hành nghề công chứng được quyền thu một phần phí lưu giữ di chúc tương ứng với thời gian đã lưu giữ; việc chịu trách nhiệm về làm mất, hỏng bản di chúc...

Bên cạnh đó, Đại biểu cũng góp ý về nội dung quản lý Nhà nước về công chứng (Điều 70), về giá trị pháp lý của văn bản công chứng (Điều 5)…

TRẦN NGUYÊN (t/h)

Gia hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024

Nguyễn Hoàng Lâm