Ảnh minh họa.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ TT&TT tổ chức ngày 05/10 nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 9/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Lê Văn Tuyên đã có những trao đổi xoay quanh vấn đề SIM rác không chính chủ và tội phạm công nghệ cao.
Theo vị đại diện, vấn đề trên đang ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp. Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách, bao gồm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng quy định chặt chẽ hơn các quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng; sửa đổi, bổ sung Quyết định 630 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kế hoạch áp dụng giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; cho phép tổ chức tín dụng áp dụng phương pháp sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền vượt ngưỡng nhất định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, văn bản khuyến nghị cảnh báo trên toàn ngành về ngăn chặn hành vi gian lận dịch vụ thanh toán, trong đó có yêu cầu thực hiện kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm tính hợp pháp, hợp lệ, khớp đúng giấy tờ tùy thân của khách hàng mở tài khoản thanh toán. Kiểm tra, đối chiếu để bảo đảm việc sử dụng tài khoản thanh toán bởi chính chủ đăng ký hoặc người ủy nhiệm hợp pháp.
Bên cạnh đó, định kỳ áp dụng biện pháp kiểm tra, xác minh để đảm bảo chủ tài khoản thanh toán là chủ của số thuê bao di động đã đăng ký sử dụng dịch vụ SMS banking và mobile banking. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp ngăn chặn trường hợp thuê bao cho thuê, cho mượn tài khoản để thanh toán các mặt hàng bất hợp pháp; có văn bản chỉ đạo để định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng, bao gồm làm sạch dữ liệu khách hàng cá nhân thông qua đối chiếu, xác thực dữ liệu khách hàng với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và dữ liệu căn cước công dân (CCCD), triển khai biện pháp rà soát đối chiếu thông tin CCCD với chứng minh nhân dân của khách hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thông tin, cơ quan đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để thực hiện nhiều nội dung triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong đó có kết nối và khai thác CSDLQG về dân cư, làm sạch dữ liệu khách hàng, thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán.
Kết quả triển khai cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2023, 27 tổ chức tín dụng đã liên hệ làm việc với C06 của Bộ Công an để làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, 42 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng CCCD gắn chip, 07 tổ chức tín dụng liên hệ với C06 để rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán để các tổ chức tín dụng có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh. Ngân hàng Nhà nước còn tăng cường truyền thông qua các chương trình, hội thảo, hội nghị, phối hợp với cơ quan báo chí để giúp người dân sử dụng dịch vụ thanh toán, tài khoản một cách an toàn, hiệu quả.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ TT&TT để có phương án hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ, việc Bộ TT&TT tăng cường giải pháp xử lý SIM rác hiệu quả đã giúp chủ tài khoản đăng ký SIM di động khớp đúng với tài khoản ngân hàng, góp phần phòng chống tội phạm mạng.
TRẦN QUÝ