/ Thư viện pháp luật
/ Đến 2030 mọi dịch vụ công trực tuyến đều có AI hỗ trợ

Đến 2030 mọi dịch vụ công trực tuyến đều có AI hỗ trợ

04/06/2024 06:04 |

(LSVN) - Đây là nội dung đáng chú ý tại Kế hoạch hành động năm 2024 triển khai Chiến lược phát triển ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 phê duyệt bởi Quyết định 699/QĐ-BTTTT ngày 03/5/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2024 đạt chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến toàn trình ứng dụng AI hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; 20% đô thị có ứng dụng AI giải quyết ít nhất một vấn đề bức thiết của xã hội tại đô thị. Đồng thời, tối thiểu 100 cán bộ, chuyên gia trong các cơ quan Nhà nước và các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về AI ứng dụng; 20% cơ quan Nhà nước cấp Bộ, cấp tỉnh, đã mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở theo đúng quy định để phục vụ phát triển AI ứng dụng cho kinh tế số, xã hội số.

Mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình ứng dụng AI hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; ​100% đô thị có ứng dụng AI giải quyết ít nhất một vấn đề bức thiết của xã hội tại đô thị. Đồng thời, tối thiểu 1000 cán bộ, chuyên gia trong các cơ quan Nhà nước và các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về AI ứng dụng; 100% cơ quan Nhà nước cấp bộ, tỉnh, đã mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển AI ứng dụng cho kinh tế số, xã hội số.

Các doanh nghiệp công nghệ số cung cấp sản phẩm, giải pháp AI ứng dụng (VNPT, Viettel, FPT, Mobifone, VNG, BKAV, VinAI, INFORE, MISA...) căn cứ nguồn lực thực tế, triển khai cung cấp giải pháp tích hợp AI ứng dụng, phát triển các sản phẩm AI. Tập trung nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm AI ứng dụng đặc thù của Việt Nam.

Xây dựng, cung cấp hạ tầng kỹ thuật, cung ứng dịch vụ AI ứng dụng cho các doanh nghiệp. Tham gia phát triển bộ dữ liệu giúp cộng đồng tài nguyên mở cùng tạo dựng các bộ dữ liệu mới và tinh chỉnh các bộ dữ liệu cũ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu dữ liệu mẫu của các nền tảng AI khác.

Bên cạnh đó, cùng tham gia phát triển AI ứng dụng để tạo thành các mô hình đã huấn luyện sẵn, sử dụng được ngay cho cộng đồng dựa trên các bộ dữ liệu mẫu do cộng đồng đã chung tay xây dựng.

Kết nối cung/cầu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp AI ứng dụng tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác.

Các doanh nghiệp công nghệ số thử nghiệm, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ AI thiết yếu theo nhu cầu và chủ động nâng cấp các dịch vụ AI lên mức độ chuyên sâu trong trường hợp cần thiết.

Tham gia gán nhãn dữ liệu, xây dựng các bộ dữ liệu mở phục vụ nhu cầu tạo dựng các bộ dữ liệu mẫu để giải quyết các bài toán AI cụ thể của từng ngành, tạo lập dưới dạng một cộng đồng tài nguyên mở.

Phối hợp với các trường Đại học, tiếp nhận sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên để nghiên cứu, thử nghiệm triển khai các ý tưởng mới về AI ứng dụng.

TRẦN VŨ

Đề xuất gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp

Nguyễn Hoàng Lâm