/ Thư viện pháp luật
/ Yêu cầu đối với đèn chiếu sáng trên ô tô cải tạo

Yêu cầu đối với đèn chiếu sáng trên ô tô cải tạo

16/11/2023 06:26 |

(LSVN) - Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã quy định riêng yêu cầu an toàn kỹ thuật về đèn chiếu sáng đối với xe cơ giới cải tạo.

Ảnh minh họa.

Theo dự thảo Thông tư của Bộ GTVT, xe cơ giới cải tạo phải trang bị các loại đèn chiếu sáng và tín hiệu như: đèn chiếu sáng phía trước gồm đèn chiếu xa (đèn pha) và đèn chiếu gần (đèn cốt), đèn báo rẽ, đèn cảnh báo nguy hiểm, đèn vị trí, đèn phanh, đèn lùi, đèn soi biển số sau.

Đèn chiếu sáng phía trước sử dụng trên xe phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong QCVN 35:2010/BGTVT "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" hoặc một trong các quy định UNECE phiên bản tương đương hoặc cao hơn.

Các đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu phải được lắp đặt chắc chắn, bảo đảm duy trì các đặc tính quang học của chúng khi xe vận hành.

Ngoài ra, các đèn chiếu sáng phía trước, đèn báo rẽ, đèn vị trí, đèn phanh phải được lắp thành cặp và phải cùng màu, được lắp vào xe đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định không được lắp đèn màu đỏ và các tấm phản quang ở phía trước xe. Không được lắp đèn có ánh sáng trắng hướng về phía sau (ngoại trừ đèn lùi).

Đối với đèn chiếu sáng phía trước, khi bật công tắc đèn chiếu gần, tất cả các đèn chiếu xa phải tắt và phải có báo hiệu làm việc khi sử dụng đèn chiếu xa.

Đối với đèn lùi phải bật sáng khi cần số ở vị trí số lùi và công tắc khởi động động cơ đang ở vị trí mà động cơ có thể hoạt động được. Đèn lùi phải tắt khi một trong hai điều kiện trên không thỏa mãn.

Đèn soi biển số phải sáng khi bật đèn chiếu sáng phía trước, không thể tắt và bật được bằng công tắc riêng.

Trong khi đó, đèn phanh phải bật sáng khi người lái tác động vào hệ thống phanh chính. Trong trường hợp dùng kết hợp với đèn hậu, đèn phanh phải có cường độ sáng rõ rệt hơn so với đèn hậu.

Đối với đèn báo rẽ, tất cả các đèn báo rẽ ở cùng một bên của xe phải nhấp nháy cùng pha. Tần số nhấp nháy từ 60 - 120 lần/phút. Thời gian từ khi bật công tắc đến khi đèn phát tín hiệu báo rẽ không quá 1,5 giây.

Ngoài ra, các đèn cảnh báo nguy hiểm phải nháy đồng thời và cùng tần số. Đèn cảnh báo nguy hiểm có thể dùng kết hợp với đèn báo rẽ.

Đối với ống xả, dự thảo quy định miệng thoát khí thải của ống xả không được hướng về phía trước và không được hướng về phía bên phải theo chiều tiến của xe.

Ống xả không được đặt ở vị trí có thể gây cháy xe hoặc hàng hóa trên xe và gây cản trở hoạt động của hệ thống khác.

Về còi, dự thảo Thông tư của Bộ GTVT nêu rõ còi (hoặc hệ thống còi) phải có âm thanh liên tục với âm lượng ổn định.

Trong khi đó, hệ thống gạt nước để đảm bảo tầm nhìn của người lái qua kính chắn gió phía trước.

Gương chiếu hậu trên xe cơ giới cải tạo phải cho phép người lái có thể nhận biết rõ ràng điều kiện giao thông về phía sau và hai bên xe.

Gương chiếu hậu lắp ngoài phải có vị trí sao cho người lái dễ dàng nhìn thấy được qua cửa sổ bên hoặc qua phần diện tích được quét của gạt nước trên kính chắn gió.

Gương chiếu hậu sử dụng trên xe phải là loại gương đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 33:2011/BGTVT "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương chiếu hậu dùng cho xe ô tô".

Đối với kính an toàn trên xe, dự thảo quy định kính chắn gió phải là kính an toàn nhiều lớp. Kính cửa của xe phải là kính an toàn. Kính sử dụng là cửa sổ thoát khẩn cấp, cửa thoát khẩn cấp phải là kính an toàn có độ bền cao. Các loại kính an toàn này phải đáp ứng các quy định trong QCVN 32:2011/BGTVT "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kính an toàn của xe ô tô".

MINH TRẦN

Đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2023

Nguyễn Hoàng Lâm