Ảnh minh họa.
Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng ban hành kế hoạch để xác định mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu nhằm hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả của ngành Xây dựng thông qua khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, bứt phá về năng lực cạnh tranh, tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của ngành, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng yêu cầu kế hoạch phải xác định đúng các nội dung cần được thể chế hóa, cụ thể hóa và đạt kết quả cụ thể trong giai đoạn 2021-2025, phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện thực tế, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, khả thi cao nhất; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, những bài học tích cực và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ở giai đoạn trước.
Đồng thời, đây cũng là căn cứ để các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương, các doanh nghiệp trong toàn ngành tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của ngành Xây dựng trong giai đoạn 2021-2025.
Tại Kế hoạch này, Bộ Xây dựng đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Theo đó, đến năm 2025 duy trì tỉ lệ 100% phủ kín quy hoạch chung đô thị. Quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới được lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã và thực hiện quản lý theo quy hoạch được duyệt. Quy hoạch chung đô thị được lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu phấn đấu hoàn thành đối với đô thị loại II, III. Tỉ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%.
Đối với các chỉ tiêu về hạ tầng: tỉ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95-100%. Tỉ lệ hệ thống cấp nước đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%. Tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%. Tỉ lệ thu gom nước thải đạt khoảng 80%.
Đồng thời, tỉ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn tại các đô thị loại II trở lên đạt khoảng 50% và tại các đô thị loại III, IV, V đạt khoảng 20%. Phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước mưa tại đô thị đạt 80%. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng tại các đô thị lớn đạt khoảng 11-16%. Tỉ lệ đất dành cho bến bãi đỗ xe đạt 01% và tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 15-20%.
Hình thức hỏa táng tại các đô thị đặc biệt đạt tỉ lệ 75%, các đô thị loại I trung bình khoảng 20%, các đô thị còn lại trung bình đạt 15%. Việc chiếu sáng sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng tại các đô thị lớn đạt 20-30%. Diện tích cây xanh bình quân/người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2.
Đặc biệt, các chỉ tiêu về nhà ở được quan tâm, như: Diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 27m2 sàn/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt khoảng 28m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt khoảng 26m2 sàn/người.
Để đạt kết quả trên, Bộ Xây dựng đã đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; Phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng kỹ thuật, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; Cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế...
Theo đó, ngành Xây dựng tiếp tục thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng.
Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách để thúc đẩy hợp tác Nhà nước - Tư nhân trong đầu tư xây dựng. Hoàn thiện cơ chế và công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng gắn liền với phương thức đầu tư, hình thức thực hiện dự án, bao quát toàn bộ chi phí vòng đời sản phẩm xây dựng.
Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình xây dựng. Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giảm thiểu sự cố. Hướng dẫn, phê duyệt phương án tự chủ tài chính để làm cơ sở ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính.
Phát triển đồng bộ, ổn định, bền vững thị trường bất động sản, xây dựng, VLXD. Nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị trình Quốc hội ban hành vào năm 2022-2025. Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia. Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường kiểm tra công tác quản lý nhà nước về phân loại đô thị, quản lý đầu tư phát triển đô thị; kiểm tra việc đầu tư, hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu, còn yếu ở các đô thị được phân loại và các đô thị có sự sát nhập các xã, vùng nông thôn vào đô thị để thành lập đơn vị hành chính mới. Huy động mọi nguồn lực, chú trọng xã hội hóa để triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch đô thị.
Tận dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất, chất lượng công trình xây dựng, sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, quản lý phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Phối hợp quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là công tác cổ phần hoá; thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu theo kế hoạch được duyệt. Tập trung tái cơ cấu, thoái vốn đối với Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng Công ty Cơ khí xây dựng - CTCP.
Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Bộ Xây dựng kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc, chủ động trao đổi, giải quyết hoặc báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể của đơn vị trước ngày 30/9/2022, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện trước ngày 15/11 hàng năm, Cục Kinh tế xây dựng tổng hợp, đánh giá báo cáo tình hình thực hiện trước ngày 10/12 hàng năm.
NGUYỄN QUÝ
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội