/ Tư vấn
/ Dịch giả có được đặt tên cho tác phẩm dịch không?

Dịch giả có được đặt tên cho tác phẩm dịch không?

29/06/2021 18:18 |

(LSVN) - Tôi đang có dự định dịch một cuốn tiểu thuyết tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Vậy, tôi muốn hỏi, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, tôi có quyền đặt tên cho tác phẩm mình đã dịch không? Bạn đọc M.A. (Hà Nội) có hỏi.

  Ảnh minh họa. 

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Để được bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm phải đáp ứng các điều kiện nhất định bao gồm: (i) Tác phẩm phải có tính sáng tạo nguyên gốc, phải được tác giả trực tiếp sáng tạo, không được sao chép tác phẩm của người khác; (ii) Tác phẩm phải được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định.

Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định quyền nhân thân bao gồm các quyền: (i) Đặt tên cho tác phẩm; (ii) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; (iii) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; (iv) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Dịch giả có được đặt tên cho tác phẩm dịch không?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị là một trong những hành vi xâm phạm quyền tác giả. 

Như vậy, việc dịch lại tác phẩm từ tiếng nước ngoài thuộc trường hợp làm tác phẩm phái sinh. Việc làm tác phẩm phái sinh phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.

Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan thì quyền đặt tên cho tác phẩm không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Điều 20. Quyền nhân thân

1. Quyền đặt tên cho tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009. Quyền này không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Qua đó, có thể thấy, quyền đặt tên cho tác phẩm dịch không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, do đó, dịch giả của tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác không có quyền đặt tên cho tác phẩm dịch của mình.

NGỌC ANH

Vướng mắc trong việc thực hiện thông báo tập trung kinh tế

Lê Minh Hoàng