(LSO) - Tại thông báo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt các doanh nghiệp liên quan đến dự án sai phạm cần được thanh tra, xử lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Ngoài những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước của lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cùng một số sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc thì sai phạm của nhiều đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này cũng được nêu rõ trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Xuất phát từ công tác quản lý của hệ thống chính quyền sở tại bị buông lỏng, tạo điều kiện để một số doanh nghiệp trên địa bàn ngang nhiên vi phạm những quy định của luật pháp trong hoạt động triển khai dự án. Những vi phạm này diễn ra nhiều năm, chưa được xử lý triệt để, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận.
Điển hình như Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế, chủ đầu tư đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thạnh Lộc đã vô tư cho phép các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng và đưa các nhà máy sản xuất, chế biến trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc đi vào hoạt động trong khi hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung chưa được hoàn thành.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Kiên Giang, Công ty TNHH MTV 622, doanh nghiệp tư nhân Quốc Thắng và Công ty TNHH Kim Dung do vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản.
Việc buông lỏng trong kiểm tra, kiểm soát về vấn đề khối lượng khoáng sản khai thác thực tế dẫn đến việc kê khai nộp phí môi trường chưa đúng quy định. Điển hình là trường hợp Công ty Siam City Cement Việt Nam với số tiền hơn 1,6 tỉ đồng.
Cũng do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai tác khoáng sản chưa được chú trọng, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan thuế dẫn đến việc một số tổ chức có hoạt động khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật về luật khoáng sản: Công ty Siam City Cement Việt Nam; Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên 1.
Điều đáng nói, các sai phạm này đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện, mặc dù có những lý do khách quan nhưng chưa được xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Công ty TNHH Ngôi Sao, được UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận ưu đãi làm chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Ngôi Sao – Lucky Star Resort không đúng quy định pháp luật, phải truy thu cho ngân sách hơn 62 tỉ đồng. Nhằm tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, TTCP cũng đề nghị truy thu vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 17 tỉ đồng đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc – Chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc. Còn đối với Dự án Khu lấn biển Tây Bắc thành phố Rạch Giá do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Kiên Giang thì sở Tài chính cần phải xác định lại giá đất theo đúng quy định của pháp luật.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến việc cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Kiên Giang lại xác định giá đất nhiều dự án có vị trí đắc địa sai số lên tới nhiều tỉ đồng khiến ngân sách nhà nước thất thu?
Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các bước theo quy định của pháp luật để xem xét thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với 43 dự án đầu tư chậm tiến độ nhiều năm.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn miễn nhiệm Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn. Cụ thể, tại quyết định số 625, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Mai Anh Nhịn, để nghỉ hưu theo chế độ. Được biết, khi giữ chức Phó chủ tịch tỉnh, ông Nhịn phụ trách các lĩnh vực công tác khối kinh tế ngành: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, biển và hải đảo, giao thông vận tải, xây dựng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… được biết ông từng giữ chức Phó giám đốc Sở GTVT, rồi Phó giám đốc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang. |
PHẠM SỸ - VƯƠNG HƯỞNG