/ Tin tức
/ Diễn đàn khoa học: “Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện”

Diễn đàn khoa học: “Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện”

05/04/2025 10:46 |2 ngày trước

(LSVN) - Ngày 04/4, tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2025 với chủ đề "Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện"

Tham dự Diễn đàn có Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn.

Về phía Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có: PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiện cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART); Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; cùng hơn 200 đại biểu, là các Luật sư, chuyên gia, Trọng tài viên, Hòa giải viên, đại diện pháp chế doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và giảng viên tham gia.

Phát biểu tại diễn đàn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: Tầm quan trọng của quản trị thời gian trong giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp độc lập, hiệu quả, nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi của các bên với đội ngũ trọng tài viên giàu kinh nghiệm, phương thức này ngày càng được doanh nghiệp quan tâm nhờ tính linh hoạt và tốc độ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số vụ việc bị kéo dài không cần thiết, phần nào làm giảm hiệu quả của trọng tài, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thiếu cụ thể trong các quy định pháp luật, năng lực điều phối của Hội đồng Trọng tài, tổ chức trọng tài và đặc biệt sự hợp tác của các bên tranh chấp.

PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn.

PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn.

Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm về yêu cầu cải cách hệ thống tư pháp thương mại, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh: Nhà nước cần cải cách hệ thống tư pháp thương mại, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thiểu chi phí và rủi ro cho Doanh nghiệp, giảm tình trạng hợp đồng bị vi phạm mà không có chế tài, nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của Tòa án kinh tế, Trọng tài thương mại; tính cấp thiết đặt ra là cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể, điều chỉnh các bên liên quan nhằm đảm bảo trọng tài phát huy đúng vai trò là phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn, minh bạch và hiệu quả.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng: trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp không chỉ là vấn đề kỹ thuật tố tụng mà còn liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư, sự an toàn pháp lý và năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, việc ứng dụng các công cụ công nghệ hỗ trợ trực tuyến, chuẩn hóa quy trình tố tụng, và nâng cao năng lực điều hành của trọng tài viên là những giải pháp cần được ưu tiên. Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, diễn đàn hôm nay không chỉ là dịp trao đổi học thuật mà còn là nơi khởi tạo những ý tưởng đổi mới, từ các kinh nghiệm thực tiễn quý báu của giới chuyên môn, mà kỳ vọng chương trình sẽ lan tỏa tinh thần chuyên nghiệp góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả tố tụng trọng tài tại Việt Nam trong thời gian tới.

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa phát biểu tại Diễn đàn.

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS. TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: với vai trò là một trong những cơ sở đào tạo ngành luật hàng đầu cả nước, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh luôn xem việc đồng hành cùng các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học là sứ mệnh quan trọng, đồng thời rất quan tâm đến các lĩnh vực đang ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng như trọng tài thương mại, hòa giải và các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án nói chung.

PGS. TS. Trần Việt Dũng đánh giá rất cao ý nghĩa của Diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải năm 2025 được phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tại Diễn đàn này đã quy tụ đông đảo các Luật sư, Trọng tài viên, chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Đây là dịp quý báu để cùng nhau trao đổi, phân tích sâu các vấn đề không chỉ từ góc nhìn lý thuyết mà còn từ thực tiễn áp dụng.

PGS. TS. Trần Việt Dũng cho biết, Diễn đàn này không những là một cơ hội chia sẻ tri thức, mà còn góp phần tạo ra những kiến nghị có giá trị thực tiễn, đóng góp cho quá trình hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả áp dụng trọng tài cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) tại Việt Nam.

Quang cảnh Diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải năm 2025 (AMS 2025).

Quang cảnh Diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải năm 2025 (AMS 2025).

PGS. TS Phạm Duy Nghĩa, thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng trong một nền kinh tế hiện đại, năng động và hội nhập sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Những thách thức đó, trong nhiều trường hợp, dẫn đến các tranh chấp phát sinh là điều khó tránh khỏi trong hoạt động kinh doanh.

Dưới góc nhìn của một trung tâm trọng tài, và cũng là người trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp, PGS. TS Phạm Duy Nghĩa cho biết quá trình giải quyết tranh chấp chỉ thực sự đạt được hiệu quả khi có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, và trên hết là giảm thiểu gián đoạn cho hoạt động kinh doanh của các bên liên quan.

Pháp luật Việt Nam về trọng tài hiện nay vẫn còn mang tính khung, tương đối chung. Tuy nhiên, chính điều đó cũng tạo nên một không gian mở cho phép các Trung tâm trọng tài, Hội đồng trọng tài và các bên tranh chấp có thể vận dụng linh hoạt, thiết kế quy trình phù hợp với từng vụ việc cụ thể. Điều này, nếu được khai thác tốt, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại Việt Nam.

Các diễn giả thảo luận về thực trạng quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài tại Việt Nam và trên thế giới.

Các diễn giả thảo luận về thực trạng quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài tại Việt Nam và trên thế giới.

PGS. TS Phạm Duy Nghĩa hy vọng Diễn đàn hôm nay sẽ là nơi kết nối những sáng kiến, những góc nhìn thiết thực để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tại nước ta.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự cùng thảo luận về thực trạng quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời phân tích những thách thức mà các bên tham gia thường gặp phải; thảo luận xoay quanh thực tiễn, ứng xử, giải pháp điều phối của Hội đồng Trọng tài, tổ chức trọng tài cùng các bên tranh chấp trong quản lý thời gian giải quyết vụ tranh chấp. Bên cạnh đó, từ góc độ nghiên cứu và vận dụng quy định pháp luật quốc tế, các đại biểu tham dự đã chia sẻ một số quy trình, công cụ nhằm rút ngắn/hiệu quả hóa thời gian, đồng thời đánh giá và đề xuất cách thức áp dụng các công cụ nhằm phù hợp với bối cảnh khung khổ pháp lý về trọng tài tại Việt Nam.

Sự kiện này cũng đánh dấu bước khép lại chuỗi Hội thảo chuyên đề và Diễn đàn khoa học về Trọng tài - Hòa giải năm 2025 (AMS 2025). AMS 2025 tiếp tục ghi nhận năm thứ ba liên tiếp chuỗi sự kiện thường niên này được triển khai, đóng vai trò là không giản trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về trọng tài và hòa giải.

CHÍ BẰNG