Sáng nay (19/5), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng) phối hợp với WB và các đối tác tổ chức hội ngxhị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp”.
Hội nghị do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, chủ trì.
Được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, hội nghị nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp (DN). Bên cạnh các DN đang có mặt trực tiếp tại điểm cầu chính, có hàng trăm DN tham dự và theo dõi hội nghị qua đăng ký trực tuyến và theo dõi qua 3 kênh: Hệ thống họp trực tuyến Cisco Event, kênh livestream trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, kênh livestream trên trang fanpage của Báo điện tử VnExpress.
Lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng đã nắm bắt đúng thời điểm, thông tin rộng rãi tới cộng đồng DN trong việc tham gia và sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng gửi lời cảm ơn tới các DN, hiệp hội DN, doanh nhân, những đơn vị trực tiếp sử dụng Cổng DVCQG như là một công cụ hữu ích trong việc thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện chuyển đổi mạnh phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công như: Tăng cường làm việc gửi-nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; chuyển dần từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử thông qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh phát huy hiệu quả.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết TTHC điện tử, công nhận hồ sơ ký số của DN, tạo điều kiện cho DN giảm bớt các loại hồ sơ giấy, cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan Nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.
Do đó có thể thấy, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, DN và Cổng DVCQG là kênh hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” TTHC. Việc thực hiện các TTHC thông qua Cổng DVCQG còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương.
Người dân, DN hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình giải quyết TTHC, đồng thời, VPCP cũng có thể đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.
Được khai trương ngày 09/12/2019, Cổng DVCQG là đầu mối kết nối với cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về TTHC và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, DN phù hợp với từng đối tượng.
Cổng DVCQG giúp DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí khi TTHC của tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có thể thực hiện trên Cổng. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỉ đồng/năm.
Từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp tại thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho DN. Qua tài khoản Cổng DVCQG, các DN có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, thông qua hội nghị trực tuyến với cộng đồng DN hôm nay, VPCP, Hội đồng, cùng các đối tác WB, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp và các cơ quan liên quan mong muốn lan tỏa được những thông tin hữu ích cho DN.
Hội nghị cũng là dịp ghi nhận ý kiến thực tiễn từ cộng đồng DN để cải thiện quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến và vận hành Cổng DVCQG ngày càng hiệu quả hơn.
Tìm giải pháp, sáng kiến thu hút DN
Qua 5 tháng triển khai, tính đến ngày 18/5, Cổng DVCQG đã có những kết quả tích cực, thể hiện được mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, DN.
Cụ thể đã có trên 142.000 tài khoản đăng ký, trên 37 triệu lượt truy cập, trên 7,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng DVCQG. Hệ thống tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN.
Tuy nhiên, đến nay hệ thống mới ghi nhận 1.142/142.000 tài khoản là của DN. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là việc cần xem xét lại, bởi DN cần là đối tượng đi đầu trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, từ ngày 12/5, Cổng DVCQG cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế DN; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, cơ quan giới thiệu đến đại biểu về trải nghiệm của người dùng trên Cổng DVCQG đối với một số TTHC có tần suất thực hiện lớn như: Thủ tục thông báo khuyến mãi, thủ tục nộp bảo hiểm xã hội, giới thiệu hệ thống và tính năng thanh toán trực tuyến qua Cổng DVCQG. Bên cạnh đó, giới thiệu các dịch vụ công đặc biệt trên Cổng DVCQG để hỗ trợ người dân, DN trong và sau đại dịch Covid-19.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận, nghe kiến nghị của DN về các nhóm TTHC/dịch vụ công cần ưu tiên tích hợp, vận hành trên Cổng DVCQG và các góp ý cải thiện nội dung, kỹ thuật hiện hành trên Cổng; các kiến nghị từ DN liên quan đến nhóm vấn đề trọng tâm cần cải cách, cắt giảm, tăng cường áp dụng trực tuyến để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của DN; các giải pháp, sáng kiến thu hút cộng đồng DN quan tâm, sử dụng Cổng DVCQG và tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
GIA HUY - HOÀNG GIANG/VGP