Điều chỉnh quy chế thi tốt nghiệp THPT tạo thuận lợi cho thí sinh

11/09/2024 10:31 | 3 tuần trước

(LSVN) - Ngày 29/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) để lấy ý kiến góp ý, hạn đến ngày 29/10/2024 và áp dụng ngay từ năm 2025.

Ảnh minh họa.

Dự kiến, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới so với kỳ thi từ năm 2024 trở về trước, như có thêm 02 môn thi mới; thêm nhiều dạng thức trắc nghiệm... Tuy nhiên, phương án tổ chức kỳ thi lại gọn nhẹ, giảm áp lực.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của học sinh học chương trình, sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới có nhiều điều chỉnh so với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2024 trở về trước.

Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có thêm 02 môn là tin học, công nghệ. Như vậy, kỳ thi có tổng số 11 môn, gồm: Toán, ngữ văn, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Hàn).

Về hình thức thi, chỉ có môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Điểm khác biệt trong các bài thi trắc nghiệm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là ngoài dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (04 phương án, chọn 01), đã quen thuộc với học sinh và được áp dụng nhiều năm qua, sẽ có thêm 02 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới. Trong đó, dạng thứ nhất gồm các câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai (mỗi câu hỏi có 04 ý, học sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi); dạng thứ hai là các câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn (gần với dạng câu hỏi tự luận, học sinh điền nội dung trả lời vào phiếu). Thời gian làm bài môn ngữ văn là 120 phút, môn toán 90 phút, các môn còn lại 50 phút/môn.

Điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Quy chế là quy định về việc tăng tỉ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50%. Trong khi theo quy chế hiện hành, tỉ lệ này chỉ là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12. Liên quan đến việc xét công nhận tốt nghiệp, từ năm 2025, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ cũng sẽ không được quy thành 10 điểm như quy chế hiện nay.

Cũng theo dự thảo Quy chế thi mới, dù bổ sung 02 môn thi và thêm một số điểm mới, nhưng phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh. Cụ thể, thời gian tổ chức thi được rút ngắn từ 04 buổi như hiện nay xuống còn 03 buổi thi. Số môn thi giảm từ 06 môn còn 04 môn, trong đó có 02 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 02 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Bộ cũng xây dựng phương án và hướng dẫn các địa phương sắp xếp điểm thi, phòng thi theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa, các thí sinh chỉ dự thi tại một phòng thi trong suốt kỳ thi.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo và dự kiến ban hành quy chế thi mới trong tháng 11/2024. Bộ cũng sẽ xây dựng, công bố đề thi mẫu để học sinh, giáo viên có thêm căn cứ làm cơ sở định hướng tốt hơn cho việc tổ chức dạy, học.

NGUYÊN TRẦN

Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thay đổi từ 01/7/2025