Ảnh minh họa
Điều kiện mở lại hoạt động của loại hình dịch vụ karaoke
Kinh doanh dịch vụ karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trước khi hoạt động phải được cơ quan chức năng cấp phép trên cơ sở đủ điều kiện mọi mặt. Trước tình trạng cháy nổ diễn ra thường xuyên tại các quán karaoke thời gian gần đây, gây thiệt hạ lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong dư luận. Trước đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Công an và công an các tỉnh thành trên cả nước đã tổng rà soát hoạt động kinh doanh karaoke; kiên quyết đóng cửa các quán karaoke không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, không gian, điều kiện phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, đây là chủ trương đúng đắn và khá quyết liệt của cơ quan chức năng, nhằm chặn đứng tình trạng các quán karaoke không đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên kinh doanh.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hầu như các quán karaoke đều trong tình trạng cửa đóng then cài, bị đóng cửa do không đủ điều kiện hoạt động, bị cơ quan chức năng đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động, muốn hoạt động trở lại thì các cửa hàng karaoke phải khắc phục các lỗi, các nội dung mà cơ quan chức năng đã đề xuất bổ sung vào hạng mục cần phải có của quan karaoke, để đạt yêu cầu - đủ điều kiện kinh doanh trở lại. Điều kiện để hoạt động dịch vụ karaoke được quy định cụ thể tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke:
Theo Điều 4, Nghị định 54/2019/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke bao gồm: Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ. Nhà hàng karaoke có nhiều phòng thì phải đánh số thứ tự hoặc đặt tên cho từng phòng. Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng. Nếu có khung thì không được quá hai khung dọc và ba khung ngang; diện tích khung không quá 15% diện tích cửa. Không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên. Đảm bảo ánh sáng trong phòng trên 10 Lux tương đương 01 bóng đèn sợi đốt 40W cho 20m2. Đảm bảo âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép. Chỉ được sử dụng bài hát đã được phép phổ biến; băng, đĩa đã dán nhãn kiểm soát theo quy định. Không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke. Đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự. Mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên; nếu nhân viên phục vụ là người làm thuê thì phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động. Thời gian hoạt động,không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 08 giờ sáng, trừ phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng.
Như vậy, kinh doanh karaoke cần các loại giấy phép như Giấy đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với hình thức kinh doanh với tư cách doanh nghiệp. Ngoài ra, do kinh doanh karaoke là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên bên cạnh giấy đăng ký kinh doanh, chủ cơ sở kinh doanh karaoke còn phải có Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke do cơ quan có thẩm quyền cấp và đáp ứng các điều kiện nêu trên, thì sẽ được phép hoạt động trở lại.
Chế tài xử lý dịch vụ karaoke vi phạm
Nếu quán karaoke đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ nhưng lại lén lút mở hoạt động trở lại, mở chui khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng do chưa đủ điều kiện, chưa khắc phục các sự cố thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý là xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15, Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không nộp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, khi có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi; Kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 24 giờ mỗi ngày; Sửa chữa, tẩy xóa hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không bảo đảm diện tích theo quy định; Đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke, phòng vũ trường; Đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy nổ tại địa điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Không bảo đảm hình ảnh phù hợp với lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) hoặc với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam trong phòng hát karaoke; Không điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trong trường hợp thay đổi về số lượng phòng hoặc thay đổi chủ sở hữu; Kinh doanh dịch vụ vũ trường trong khoảng thời gian từ 02 giờ đến 08 giờ mỗi ngày; Kinh doanh dịch vụ vũ trường ở địa điểm cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa dưới 200 mét.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Kinh doanh dịch vụ karaoke không có giấy phép theo quy định; Sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke của tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh; Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke để kinh doanh.
Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Kinh doanh dịch vụ vũ trường không có giấy phép theo quy định; Sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường của tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh; Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường để kinh doanh.
Hình thức xử phạt bổ sung là Tước quyền sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường từ 18 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại điểm c, khoản 7 và điểm c, khoản 8, Điều 15, tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 15 của Nghị định.
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỒNG - Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân