(LSO) - Tôi được tuyển dụng công chức Tư pháp - Hộ tịch của một xã đặc biệt khó khăn từ ngày 01/4/2016. Theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian công tác từ đủ 5 năm đối với nam thì mới được hưởng 10 tháng lương cơ sở. Hiện nay, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 10/8/2019 của Chính phủ. Vậy, nay tôi có được hưởng 10 tháng lương cơ sở theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP hay không? Những trường hợp đã được hưởng đầy đủ các khoản phụ cấp theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP đủ 60 tháng (5 năm) thì có được tiếp tục được hưởng phụ cấp theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP không? Bạn đọc L. N. hỏi.
Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2019) đã thay thế Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tại Điều 6 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP đã quy định trợ cấp lần đầu khi đến nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nếu bạn chưa nhận trợ cấp lần đầu quy định tại Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP thì được hưởng trợ cấp lần đầu theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP.
Điều 6. Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp như sau: 1. Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 2. Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp: a) Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách); b) Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình. 3. Các khoản trợ cấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí công tác chi trả ngay khi đối tượng được hưởng nhận công tác và chỉ thực hiện một lần trong tổng thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. |
Về phụ cấp thu hút, căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP, trường hợp đã nhận đủ phụ cấp thu hút quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP thì không được hưởng phụ cấp thu hút theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP. Cụ thể, đối tượng theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).
Việc tổ chức thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Vì vậy, bạn liên hệ với cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức của UBND tỉnh đó (Sở Nội vụ) để được giải đáp.
THANH THANH