(LSO) - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, doanh nghiệp, người làm kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kéo theo đó là người lao động cũng gặp khó khăn vô cùng. Để hỗ trợ người lao động vượt qua hoàn cảnh khó khăn nêu trên, Chính phủ đã ra nghị quyết số 42/2020/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khí khăn do đại dịch Covid-19 ngày 09/4/2020.Vì vậy, hiện nay rất nhiều người lao động đặt ra vấn đề bao giờ nhận được tiền hỗ trợ, trình tự thủ tục như thế nào,...
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng về điều kiện, thủ tục nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP. Theo đó, điều kiện, thủ tục đối với các nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền mặt nêu tại Nghị quyết 42/NQ-CP như sau:
Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động
Điều kiện: Người lao động làm việc theo chế độ HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Phải có thời gian tạm hoãn, nghỉ không lương từ 1 tháng trở lên tính từ ngày 1/4/2020. Thủ tục:
+ Người lao động phải có đơn đề nghị hỗ trợ (theo mẫu của cơ quan chức năng) gửi đến chủ doanh nghiệp.
+ Đối với trường hợp doanh nghiệp có quy mô trên 100 lao động hoặc dưới 100 lao động thì người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ lần lượt trực tiếp đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội , Phòng Lao động Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, văn phòng đại diện.
Hộ kinh doanh cá thể
Điều kiện: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tại thời điểm ngày 31/12/2019; tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020 theo thông báo của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Thủ tục: Hộ kinh doanh cá thể gửi hồ sơ đề nghị về UBND xã nơi đăng ký địa điểm kinh doanh xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh; niêm yết công khai trong thời gian 5 ngày làm việc tại trụ sở UBND; tổng hợp, báo cáo gửi cơ quan tài chính cấp huyện để thẩm định, trình chủ tịch huyện quyết định…
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Điều kiện: Phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.
Thủ tục: Đối với trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng muốn nhận được khoản tiền này, nộp hồ sơ đề nghị (theo mẫu của cơ quan chức năng) trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi đang cư trú.
Lao động tự do (không có giao kết hợp đồng)
Đối tượng: Người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe máy hai bánh chở khách, xe xích lô; người bán lẻ vé số lưu động; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Điều kiện:
+ Không có đất sản xuất nông nghiệp;
+ Mất việc làm và không có thu nhậphoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định59/2015 của Thủ tướng.
+ Có hộ khẩu thường trú hoặc cóđăng ký tạm trú từ ba tháng trở lên trước ngày 01/4/2020 tại địa phương đề nghịhỗ trợ.
- Thủ tục: Người lao động tự do phải khai một biểu mẫu theo quy định của cơ quan chức năng và gửi UBND xã nơi cư trú hợp pháp.
Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo.
- Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
- Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợthêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đếntháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩnnghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6năm 2020 và được chi trả một lần.
Vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn về thủ tục, cách thức nhận tiền hỗ trợ
Theo Luật sư Hoàng Tùng - Trường Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), hiện nay, hồ sơ, thủ tục nộp hồ sơ nhận hỗ trợ theo các quy định của Nghị quyết số 42 được giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính phối hợp với nhau để thống nhất hướng dẫn về việc thực hiện trợ cấp cho các đối tượng.
Theo thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng về điều kiện, thủ tục nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42. Sau khi có Quyết định của Thủ tướng sẽ có Thông tư của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chi tiết hóa một bước nữa để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể…
Các văn bản này đều đang được gấp rút xây dựng, lấy ý kiến và thông qua với mục tiêu ngay trong tháng 4 sẽ có một số đối tượng như bảo trợ xã hội, hộ người nghèo, người có công… được thụ hưởng chính sách.
Tính tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn về thủ tục, cách thức nhận tiền hỗ trợ. Do đó, người dân nên tiếp tục chờ đợi cho đến khi có quy định cụ thể. Nhưng về cơ bản thì người lao động cần chuẩn bị một số giấy tờ, tài liệu cần thiết như: người lao động có đơn đề nghị gửi đến người sử dụng lao động để lập bảng tổng hợp danh sách; công khai bảng tổng hợp danh sách tại doanh nghiệp; đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở và bảo hiểm xã hội xác nhận.
PV