Ảnh minh họa.
Bị chú trong hộ chiếu là gì? Tại sao phải bị chú nơi sinh trong hộ chiếu mới?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Bộ Công an bắt đầu cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới màu xanh tím than từ ngày 01/7/2022. Mẫu hộ chiếu này được thể hiện bằng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt.
Trong đó, tất cả nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu đều được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống làm giả, đạt chuẩn ICAO.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam, hộ chiếu này bao gồm các thông tin: Họ, tên và chữ đệm; ngày tháng năm sinh; giới tính, quốc tịch; ký hiệu và số hộ chiếu; ngày tháng năm cấp hộ chiếu, cơ quan cấp hộ chiếu; ngày tháng năm hộ chiếu hết hạn; số định danh cá nhân/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.
Với thông tin về số định danh cá nhân/số Căn cước công dân, căn cứ Điều 13, Nghị định 137/2015/NĐ-CP, người dân có thể biết được mã tỉnh, thành phố hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.
Đây chính là 03 chữ số đầu tiên trong Căn cước công dân/mã định danh cá nhân.
Với thông tin về số Chứng minh nhân dân, người dân sẽ biết được mã số của các tỉnh, thành phố cấp (có thể không phải nơi sinh).
Nhìn chung, người dân có thể tự xác định nơi đăng ký khai sinh nếu họ ghi số Căn cước công dân trong hộ chiếu, trường hợp thông tin trên hộ chiếu là số Chứng minh nhân dân thì việc xác định nơi sinh có thể bị sai sót.
Thông tin về nơi sinh của công dân Việt Nam chỉ được tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia trong nước. Do đó, các nước khác chưa thể khai thác thông tin này khi kiểm tra giấy tờ xuất nhập cảnh.
Nơi sinh là một trong những thông tin quan trọng về nhân thân, vì vậy một số quốc gia cho rằng việc thiếu thông tin về nơi sinh có thể sẽ là mối đe doạ an ninh biên giới do cá nhân che giấu danh tính.
Hiện nay, các quốc gia là Đức, Tây Ban Nha và Cộng hoà Séc đã không công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, không cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam dùng hộ chiếu mẫu mới này do không có mục “nơi sinh”.
Nhằm giúp công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu mẫu mới nhập cảnh vào các nước trên, Bộ Công an cho biết công dân có thể đề nghị ghi thêm bị chú nơi sinh vào hộ chiếu để thuận lợi hơn trong việc nhập cảnh.
Bị chú là từ Hán Việt đã có từ lâu, mang có nghĩa là ghi chú, chú thích về một vấn đề nào đó, tuy nhiên hiện nay không được sử dụng phổ biến nên nhiều người vẫn chưa hiểu ý nghĩa.
Ghi bị chú trong hộ chiếu là giải pháp tạm thời của Cục Xuất nhập cảnh, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân có hộ chiếu mẫu mới. Trang bị chú được dùng để bổ sung các thông tin liên quan người mang hộ chiếu, đặc biệt là thông tin về nơi sinh.
Điều kiện ghi thêm bị chú nơi sinh trong hộ chiếu mới
Hiện nay, mọi công dân đều có quyền yêu cầu ghi thêm bị chú nơi sinh trong hộ chiếu mẫu mới để đảm bảo quyền lợi của mình.
Thủ tục ghi thêm bị chú nơi sinh trong hộ chiếu mới
Cơ quan nộp hồ sơ
- Cục Quản lý xuất nhập cảnh;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước.
Hồ sơ, thủ tục thực hiện
- Đối với công dân trình hộ chiếu cấp trong nước: Nộp tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu TK01 (không cần dán ảnh) cùng với hộ chiếu mẫu mới đã được cấp. Tại mục “đề nghị” của tờ khai ghi nội dung “bị chú nơi sinh vào hộ chiếu”
- Đối với công dân trình hộ chiếu do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp: Ngoài tờ khai theo mẫu TK01 và hộ chiếu mẫu mới, công dân phải nộp thêm các giấy tờ chứng minh nơi sinh như Giấy khai sinh, Hộ chiếu mẫu cũ.
- Đối với công dân đề nghị cấp hộ chiếu mẫu mới kèm ghi thêm bị chú nơi sinh, tại mục nội dung đề nghị trong tờ khai cấp hộ chiếu phải ghi rõ yêu cầu “cấp hộ chiếu và bị chú nơi sinh”.
Thời hạn giải quyết
- 02 ngày làm việc nếu nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh;
- 05 ngày làm việc nếu nộp hồ sơ tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Lệ phí
Không cần nộp lệ phí cho yêu cầu ghi thêm bị chú nơi sinh vào hộ chiếu.
QUÝ NGUYỄN