Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Bưu chính 2010, dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.
Như vậy, dịch vụ chuyển phát nhanh theo ngôn ngữ pháp lý chính là dịch vụ bưu chính.
Theo Điều 21 Luật Bưu chính 2010, điều kiện để được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính như sau:
- Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính;
- Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép, cụ thể:
+ Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỉ VNĐ;
+ Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỉ VNĐ;
- Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính;
- Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.
Như vậy, để được hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, cá nhân tổ chức phải thực hiện theo trình tự các bước như sau:
- Bước 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp/hộ kinh doanh có đăng ký ngành nghề trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát nhanh;
Tuỳ thuộc vào quy mô và định hướng kinh doanh, các cở sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh có thể lựa chọn đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần các cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh đều có quy mô vừa và lớn nên việc thành lập doanh nghiệp là phù hợp hơn.
- Bước 2: Đăng ký xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính bao gồm:
Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính 2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính gồm: a) Giấy đề nghị giấy phép bưu chính (theo mẫu tại Phụ lục I); b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam do doanh nghiệp tự đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao; c) Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (nếu có); d) Phương án kinh doanh; đ) Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính; e) Mẫu biểu trưng, nhãn hiệu, ký hiệu đặc thù hoặc các yếu tố thuộc hệ thống nhận diện của doanh nghiệp được thể hiện trên bưu gửi (nếu có); g) Bảng giá cước dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính; h) Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bưu chính công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính; i) Quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại, quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng, thời hạn giải quyết khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính; k) Thỏa thuận với doanh nghiệp khác, đối tác nước ngoài bằng tiếng Việt, đối với trường hợp hợp tác cung ứng một, một số hoặc tất cả các công đoạn của dịch vụ bưu chính đề nghị cấp phép; l) Tài liệu đã được hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài quy định tại điểm k khoản 2 Điều này. |
Đồng thời, trình tự, thủ tục xin Giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh
Theo Nghị định 47/2011/NĐ-CP, quy trình xin Giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ: Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu chính đến các cơ quan sau:
- Sở Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính đối với trường hợp cung ứng dịch vụ thư trong phạm vi nội tỉnh;
- Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính đối với các trường hợp cung ứng dịch vụ thư trong phạm vi liên tỉnh, quốc tế.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Bước 3: Nhận kết quả
* Số lượng hồ sơ: 03 bộ, trong đó 01 bộ là bản gốc, 02 bộ là bản sao do doanh nghiệp tự đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao.
* Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
* Phí giải quyết:
- Trong phạm vi liên tỉnh: 21,5 triệu đồng.
- Trong phạm vi quốc tế:
+ Quốc tế chiều đến: 29,5 triệu đồng.
+ Quốc tế chiều đi: 34,5 triệu đồng.
+ Quốc tế hai chiều: 39,5 triệu đồng.
(Theo Biểu mức thu phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính được ban hành kèm theo Thông tư số 25/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 291/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính).
Như vậy, thủ tục thành lập công ty chuyển phát nhanh không quá khó nhưng điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh là tương đối phức tạp. Mức phí giải quyết đối với loại giấy phép này cũng khá cao do đặc thù của ngành, nghề này là có quy mô lớn.
THÚY QUỲNH