/ Pháp luật - Đời sống
/ Điều tra, xét xử lại một phần kháng cáo của bị cáo Ngô Anh Tuấn về hành vi ‘Tham ô tài sản’: Hy vọng vào một phiên tòa khách quan, đúng pháp luật

Điều tra, xét xử lại một phần kháng cáo của bị cáo Ngô Anh Tuấn về hành vi ‘Tham ô tài sản’: Hy vọng vào một phiên tòa khách quan, đúng pháp luật

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Để bảo đảm xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng hành vi, đúng pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy tại phiên tòa phúc thẩm không thể điều tra bổ sung làm rõ. Vì vậy, Tòa tuyên có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngô Anh Tuấn.

Ông Ngô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất bị VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố về tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 278 và khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai thể hiện, ngày 05/9/2011, ông Đỗ Văn Hoan, chủ cơ sở may Phú Khang đã chi cho Ngô Anh Tuấn 90.250.000 đồng là khoản tiền chi lại cho Trung tâm Dạy nghề huyện để bồi dưỡng, tiền xăng xe cho cán bộ, nhân viên đi lại, kiểm tra, tiền chụp hình học viên,... nhưng ông Tuấn không nộp vào quỹ của Trung tâm Dạy nghề mà tiêu xài hết.

Tại Kết luận giám định tài chính số 1422/STC-KLGD ngày 24/4/2015, Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai đã xác định: “Ngô Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm hành vi “Tham ô tài sản” số tiền 90.250.000 đồng (do ông Đỗ Văn Hoan, chủ cơ sở may Phú Khang đã chi cho Ngô Anh Tuấn).

Tuy nhiên, trước sau Ngô Anh Tuấn vẫn một mực kêu oan, không thừa nhận có tội. Ngô Anh Tuấn khai: Trong thời gian thực hiện hợp đồng dạy nghề, ông Đỗ Văn Hoan, chủ cơ sở may Phú Khang có giao cho ông Tuấn 90.250.000 đồng (hai đợt) sau khi đã trừ phần tiền thuế mỗi bên phải chịu. Sau hai lần nhận tiền tại văn phòng lúc hết giờ làm việc, ông Tuấn có viết biên nhận và qua ngày hôm sau đã chuyển cho Ngô Thị Xuân Thu để sử dụng số tiền này chi các khoản như đã thỏa thuận với cơ sở may Phú Khang.

VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố bị can Ngô Anh Tuấn về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) trên cơ sở Kết luận giám định tài chính số 1422/STC-KLGĐ ngày 24/4/2015, Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai với nội dung: “Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong việc lập hồ sơ chứng từ khống dạy nghề tại địa phương, hợp thức hóa hồ sơ để quyết toán với ngân sách, chiếm đoạt và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước số tiền 1.689.228.037 đồng. Cụ thể: Phải chịu trách nhiệm về hành “Cố ý làm trái” toàn bộ số tiền mà các đơn vị dạy nghề chiếm đoạt và chi qua cho Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Thống Nhất, số tiền 1.598.978.037 đồng (=1.548.978.037đồng +50.000.000 đồng)”.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2017/HSST ngày 18/01/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên bị cáo Ngô Anh Tuấn phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”.

Áp dụng Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 cho các bị cáo; áp dụng khoản 3 Điều 165 và điểm đ khoản 2 Điều 278 Bộ luật Hình sự; các điểm b, p, s khoản 1; khoản 2 Điều 46, Điều 47; Điều 50; Điều 53 Bộ luật Hình sự Tòa tuyên phạt bị cáo Ngô Anh Tuấn 05 (năm) năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 04 (bốn) năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành chung là 09 (chín) năm tù.

Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, nhưng được trừ đi thời gian đã bị tạm giam từ ngày 27/8/2013 đến ngày 27/8/2014.

Bản án hình sự sơ thẩm còn quyết định về số tiền nộp lại, cấm đảm nhiệm chức vụ, các biện pháp tư pháp, quyền khởi kiện, án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Ngày 23/01/2017, bị cáo Ngô Anh Tuấn có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù và kêu oan tội “Tham ô tài sản”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Ngô Anh Tuấn đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như bản án sơ thẩm đã xét xử về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan tội “Tham ô tài sản”.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.  Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Anh Tuấn phân tích nhiều chứng cứ, tình tiết chứng minh động cơ, mục đích của hành vi và đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm.

Theo Luật sư, bị cáo Ngô Anh Tuấn kêu oan “không tham ô số tiền 90.250.000 đồng” là có cơ sở. Cụ thể, tại Văn bản số 4390/GĐTP-STC ngày 28/9/2015 của Sở Tài chính tỉnh đã kết luận về vai trò, trách nhiệm của kế toán Ngô Thị Xuân Thu: “...là người trực tiếp điều hành việc lập hồ sơ và thực hiện quyết toán các hồ sơ dạy nghề đối với ngân sách nhà nước”. Trong đó, trách nhiệm của bị cáo Thu là có liên quan đến việc lập hồ sơ và thanh quyết toán ở hai đơn vị là Công ty Âu Á và cơ sở may Phú Khang. Vì vậy, Thu cho rằng không biết và không nhận tiền từ chủ cơ sở may Phú Khang giao cho Tuấn chuyển giao lại cho Thu là không hợp lý vì Thu là kế toán trưởng, là người soạn thảo văn bản, giám sát, nắm giữ toàn bộ y các nguồn thu từ các cơ sở dạy nghề thoái trả cho Trung tâm Dạy nghề huyện và là người trực tiếp đề xuất các khoản chi để trình giám đốc ký duyệt. Trong đó, có thể hiện việc có nhận tiền của Công ty THH thời trang Âu Á và cơ sở may Phú Khang.

Ngoài ra, căn cứ lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Nguyệt và tài liệu, chứng cứ kế toán do Ngô Thị Xuân Thu lập và báo cáo cho Giám đốc Ngô Anh Tuấn có đủ cơ sở kết luận: Số tiền 90.250.000 đồng mà ông Tuấn nhận của ông Đỗ Văn Hoan, chủ cơ sơ may Phú Khang đã được nhập vào quỹ cơ quan để chi cho hoạt động dạy nghề của Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất.

Vì vậy, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tuyên bố bị cáo Ngô Anh Tuấn không phạm tội tội “Tham ô tài sản”.

Bản án phúc thẩm số 496/2018/HS-PT ngày 20/9/2018 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhận định của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 20/9/2018, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự trên đối với bị cáo Ngô Anh Tuấn do có kháng cáo. Căn cứ các tài liệu và chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến tranh luận của Kiểm sát viên, ý kiến của các bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định rằng: Căn cứ lời khai của các bị cáo, của người liên quan, lời trình bày của giám định viên, cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ, đủ cơ sở xác định: Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất được UBND tỉnh Đồng Nai thành lập ngày 15/7/2008 theo Quyết định số 2240/QĐ-UBND và được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề số 34/2011/GCNĐKDN từ ngày Giấy 18/7/2011. Ngày 05/11/2009, Ngô Anh Tuấn được Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất. Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2008 đến năm 2012, Ngô Anh Tuấn cùng với Ngô Thị Xuân Thu, là Kế toán trưởng Trung tâm Dạy nghề có hành vi chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ chứng từ khống dạy nghề tại địa phương, thỏa thuận mua hóa đơn khống để hợp thức hóa hồ sơ quyết toán với ngân sách gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước với số tiền 653.535.604 đồng.

Đối với hành vi của Ngô Anh Tuấn trong việc ký kết các hợp đồng hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho các cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp trong thời gian Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất chưa có Giấy phép hoạt động gây thiệt hại cho ngân sách số tiền 895.442.433 đồng, cụ thể: Cơ sở may Phú Khang thu lợi 351.818.000 đồng và Công ty TNHH thời trang Âu - Á thu lợi 543.624.433 đồng. Khi thực hiện hợp đồng các bên biết là không phù hợp quy định pháp luật nhưng vẫn thực hiện từ đó gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Việc cấp sơ thẩm không làm rõ trách nhiệm trong việc ký hợp đồng và chỉ buộc ông Đỗ Văn Hoan, chủ cơ sở may Phú Khang và ông Trần Văn Yên, Giám đốc công ty TNHH thời trang Âu Á nộp lại số tiền thu lợi là chưa xem xét đúng tính chất và mức độ phạm tội của các cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp này.

Xét kháng cáo của bị cáo Ngô Anh Tuấn nhận thấy, bị cáo Ngô Anh Tuấn có hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế trong việc ký kết hợp đồng hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp trái quy định gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 895.442.433 đồng, chi 50 triệu đồng trái quy định cho Phòng Lao động Xã hội huyện Thống Nhất. Số tiền thiệt hại do hành vi cố ý làm trái của Ngô Anh Tuấn, Ngô Thị Xuân Thu là 1.598.978.037 đồng, trong đó thiệt hại do hành vi của Thu là 653.535.604 đồng. Cụ thể Cơ sở may Phú Khang và Công ty TNHH Thời trang Âu Á thiệt hại 895.442.433 đồng, các đơn vị này giữ lại và chỉ theo thỏa thuận của các bên.

Tại Kết luận giám định tài chính số 1422/STC-KLGĐ ngày 24/4/2015 của Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai xác định số tiền thiệt hại do hành vi cố ý làm trái của bị cáo Tuấn gồm 1.598.978.037 đồng + 50 triệu = 1.648.978.037 đồng và tại công văn phúc đáp Kết luận giám định số 4390/GDTP-STC ngày 28/9/2015 của Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai xác định hành vi của Thu thiệt hại 653.535.604 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Giám định viên tư pháp xác định số tiền thiệt hại do các bị cáo gây ra dựa trên Giám định tài chính, xác định tổng cộng số tiền mà các bị cáo đã làm thất thoát cho ngân sách nhà nước, trong đó có cả số tiền 90.250.000 đồng mà cơ sở may Phú Khang chi cho bị cáo Tuấn theo thỏa thuận. Đồng thời, không xác định được các hợp đồng nào của Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất ký với Công ty TNHH Thời trang Âu Á để đào tạo bên ngoài trung tâm và tại cơ sở có đào tạo không? Và số học viên đã được đào tạo thực tế là bao nhiêu, vẫn chưa được điều tra làm rõ.

Cấp sơ thẩm chưa điều tra xác định rõ 523 học viên đã đào tạo thực tế để loại trừ ra số tiền thất thoát của Ngân sách nhà nước và xử lý trách nhiệm dân sự cho chính xác. Ngoài ra, số tiền 90.250.000 đồng mà cấp sơ thẩm xác định bị cáo Tuấn về tội “Tham ô tài sản” nằm trong số tiền bị thất thoát của Nhà nước, số tiền này có thể dùng trong việc mua xe Vinaxuki và kế toán có biết chưa trừ thuế. Do vậy số tiền này chữa được điều tra làm rõ. Và theo báo cáo tài chính của Trung tâm thì số tiền nêu trên của Trung tâm không bị thất thoát. Do vậy, xác định bị cáo Tuấn có hành vi “Tham ô tài sản” là chưa chính xác và phù hợp các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Để bảo đảm xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng hành vi, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy tại phiên tòa phúc thẩm không thể điều tra bổ sung làm rõ. Vì vậy, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tòa tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Hy vọng phiên tòa sắp tới xử lại vụ án này sẽ đảm bảo tính khách quan, đúng pháp luật.

PV

Đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, phản ánh trong CAND đủ điều kiện xử lý khi nào?

Lê Minh Hoàng