Ảnh minh họa.
Kế hoạch nhằm xây dựng tính chủ động, trách nhiệm cao trong việc hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố, gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác xây dựng nghị quyết của HĐND thành phố, bảo đảm tuân thủ pháp luật và đáp ứng hiệu quả yêu cầu quản lý và phát triển trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2026, HĐND thành phố sẽ ban hành 88 nghị quyết ở cả kỳ họp chuyên đề và thường kỳ. Thường trực HĐND thành phố yêu cầu việc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch phải được tiến hành kịp thời, thống nhất, hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan có liên quan theo thẩm quyền được quy định.
Các nhiệm vụ phải được xác định rõ nội dung, tiến độ thực hiện, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Đề cao trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị trong việc đề xuất nội dung sửa đổi, xây dựng mới các nghị quyết của HĐND thành phố nhằm triển khai kịp thời các chỉ đạo, quy định mới của Trung ương, Thành ủy, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố. Theo đó, có 3 nội dung được xác định trong kế hoạch. Đó là triển khai xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết HĐND thành phố đối với các nội dung đề xuất xây dựng nghị quyết đảm bảo đúng quy định pháp luật, quy chế làm việc của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và chất lượng, tiến độ yêu cầu.
Trên cơ sở định hướng xây dựng Nghị quyết HĐND thành phố khóa XVI, giai đoạn 2022-2026, định kỳ vào tháng 1 hằng năm, UBND thành phố, các ban của HĐND thành phố rà soát, bổ sung, điều chỉnh các nội dung, đề xuất xây dựng nghị quyết trình Thường trực HĐND thành phố (trong đó, cần xác định rõ những nội dung cần tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội) để ban hành kế hoạch xây dựng Nghị quyết HĐND thành phố của năm đó. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, nếu có những nội dung phát sinh theo công tác xây dựng pháp luật của Trung ương hoặc do tình hình thực tế của thành phố thì UBND thành phố, các ban của HĐND thành phố kịp thời báo cáo Thường trực HĐND thành phố để điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch xây dựng nghị quyết hằng năm cho phù hợp, hiệu quả.
Căn cứ kế hoạch này, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra; phân công rõ lãnh đạo UBND chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo trực tiếp thực hiện; phối hợp cùng Thường trực HĐND thành phố và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thống nhất những nội dung đề xuất xây dựng nghị quyết cần tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội. Giao các ban của HĐND thành phố và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan được UBND thành phố phân công làm chủ trì tham mưu lập hồ sơ dự thảo Nghị quyết trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch.
PV