/ Thuật ngữ pháp lý
/ Đình Lạc Giao - Chứng tích về tình đoàn kết

Đình Lạc Giao - Chứng tích về tình đoàn kết

05/01/2021 17:54 |

LSVNO - Năm 1924, làng Lạc Giao được thành lập, 1928 đình được khởi công xây dựng, ông Phan Hộ là người có công đứng ra để tổ chức xây dựng. Chính sách chia rẽ các dân tộc là chính sách chủ yếu cơ b...

LSVNO - Năm 1924, làng Lạc Giao được thành lập, 1928 đình được khởi công xây dựng, ông Phan Hộ là người có công đứng ra để tổ chức xây dựng. Chính sách chia rẽ các dân tộc là chính sách chủ yếu cơ bản trong âm mưu chia để trị của thực dân. Chúng ban bố những luật lệ để ngăn cản quan hệ giữa dân tộc Kinh và các dân tộc ít người.

Đình Lạc Giao – chứng tích về tình đoàn kết Kinh - Thượng.

Nổi bật nhất là chính sách đóng cửa, dưới chiêu bài bịp bợm “Đất Thượng của người Thượng”. Hằng năm, số dân người Kinh lên buôn bán không quá 100 người và những người Kinh này không được quan hệ với người dân tộc khác và ngược lại. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã đụng chạm đến những bức xúc về tình cảm và nhu cầu đời sống xã hội vốn có từ bao đời nay thể hiện qua các cuộc nổi dậy chống Pháp của người Êđê hay Mnông đều có sự tham gia của người Kinh, và cuối cùng người Kinh đã lên được Đắk Lắk để sống đoàn tụ với các dân tộc, chung lưng đấu cật khai hoang vùng đất mới.

Cách mạng tháng Tám thành công, đình Lạc Giao là nơi ra mắt của chính quyền cách mạng thị xã. Những người con của đình Lạc Giao đã trở thành những chiến sĩ vệ quốc đoàn, hoặc tham gia chính quyền cách mạng như đồng chí Hồ Bang chủ tịch làng Lạc Giao, đồng chí Lê Văn Tín – Phó Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời thị xã và nhiều đồng chí khác đã hy sinh vì độc lập tự do dân tộc.

Ngày 01/12/1945 - tức ngày 27/10 âm lịch năm Ất Dậu, giặc Pháp tấn công bất ngờ, chúng đã hạ sát 100 chiến sĩ Lê Trung Đình đang trên đường Nam tiến trong đó có 40 sĩ quan do Trung ương viện trợ. Sau đó chúng đến trụ đèn 3 ngọn, ngã 6 hạ sát một số ông già bà lão và một số trẻ em Lạc Giao bất ngờ chạy ngang qua đó. Tổn thất này gây xúc động mãi không quên trong lòng mỗi người dân Đắk Lắk, trong đó có nhân dân Lạc Giao. Từ đó lấy ngày 27/10 âm lịch hàng năm làm ngày truy điệu các chiến sĩ và đồng bào tử nạn đã hy sinh do giặc Pháp trở lại tái chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.

Trải qua những cuộc đấu tranh sôi nổi và mạnh mẽ từ Bắc – Trung – Nam những chiến sĩ cộng sản, những người con yêu nước đã phải ngã xuống trên quê hương, máu của đồng đội đã nhuộm đỏ khắp đất nước. Sự hy sinh cao cả để giành lại độc lập cho dân tộc là cả một quá trình đầy thử thách và nguy hiểm. Từ những năm 1900 trở lại khi chuyển tỉnh lị từ Buôn Đôn về Buôn Ma Thuột thực dân Pháp đã xây dựng một trại giam ở bên cạnh thị xã để giam nhốt những chiến sĩ cách mạng mà chúng bắt bắt giữ từ các phong trào đấu tranh, những người tù chính trị phải sống dưới chế độ biệt đãi dưới bàn tay đẫm máu của Morshin. Mặc dù cuộc sống của tù chính trị là sống hôm nay, không có ngày mai, chi bộ nhà tù đã tổ chức nhiều đợt vượt ngục để hoạt động công khai móc nối với các tổ chức Đảng bên ngoài góp phần đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.

Di tích lịch sử duy nhất nói về tình đoàn kết Kinh – Thượng

Sự chuyển biến cách mạng trong đồng bào các khu vực nhà tù xã Lạc Giao và các khu vực đồn điền, đặc biệt là trong tầng lớp những người lao động, phục dịch cho chính quyền địch rất rõ rệt và có chiều sâu. Bởi vì những cuộc vận động tuyên truyền cách mạng của các chiến sĩ cộng sản được trả lại tự do đã khơi dậy trong tâm tư tình cảm của đồng bào những gương đấu tranh anh dũng bất khuất sáng ngời chân lý của các chiến sĩ cộng sản đối với chế độ tàn bạo của nhà tù đế quốc, mà 15 năm qua chính họ là những người được chứng kiến đầy đủ nhất.

Họ sẵn sàng đứng vào đội ngũ Việt Minh chiến đấu để không còn chế độ tù đày, để giành độc lập thật sự, đồng thời họ suốt đời không quên ơn những người đã ngã xuống vì cuộc đấu tranh một mất một còn trong nhà tù đế quốc. Vì vậy, chỉ sau ít lâu khi chính quyền cách mạng thực sự đã về tay mình, bằng tất cả tấm lòng tôn kính với sự nghiệp lớn, đồng bào quanh vùng đã góp tiền xây dựng bia tưởng niệm Liệt sĩ. Khối bia hình trụ, cao 6m rộng mỗi bề 2m, nổi bật giữa nghĩa trang làng Lạc Giao.

Trải qua 30 năm dưới hai thời kỳ đất nước ta bị đế quốc lớn xâm lược tàn phá vẫn được người dân trân trọng với niềm tự hào to lớn như chính lời nguyền nghiêm trang: “Ghi nhớ các chiến sĩ đã quá cố về công cuộc giải phóng cho nước nhà mà bỏ mình tại nhà lao Buôn Ma Thuột 1932-1945”.

“Tinh thần chiến đấu bất diệt” bia nghĩa trang Lạc Giao thành lập ngày 18/11/1945 do đồng bào làng Lạc Giao góp tiền xây nên để tưởng niệm các chiến sĩ cộng sản đã hy sinh tại nhà tù Buôn Ma Thuột.

Ngày 17/3/1975 tại đình Lạc Giao, Ủy Ban quân quản thị xã (tiền thân của UBND tỉnh hiện nay) tuyên bố chính quyền về tay nhân dân, đồng chí Vinh làm Bí thư tỉnh ủy, đồng chí Yblock Êban làm Chủ tịch UB quân quản tỉnh đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng hết sức đúng đắn và uy tín, ảnh hưởng của Đảng trong đồng bào các dân tộc vô cùng to lớn đã đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Những sự kiện lịch sử mang nhiều ý nghĩa trên làm cho đình Lạc Giao vốn đã mang tính chất lịch sử, lại càng tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc chúng ta càng tự hào và vô cùng biết ơn các chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống trước bạo lực của kẻ thù, nơi đây còn đánh dấu sự quy tụ của người Kinh lên Buôn Ma Thuột và ghi nhớ đến những người con làng Lạc Giao đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

Cùng với các di tích lịch sử khác trên đất nước thì đình Lạc Giao được các nhà chuyên môn đánh giá rằng “Đình Lạc Giao là điểm hội tụ đầu tiên của người Kinh với người Thượng tại Đắk Lắk” có thể nói rằng là một di tích lịch sử duy nhất trên đất nước nói về truyền thống đoàn kết Kinh Thượng chống ngoại xâm bảo vệ độc lập giành thắng lợi. Đình - nơi ghi dấu tội ác của bọn đế quốc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, là nơi ghi lại những cuộc đấu tranh của nhân dân bảo vệ truyền thống đoàn kết các dân tộc hướng về Đảng về Bác. Địch đã nhiều lần muốn phá đình, phá nghĩa trang Lạc Giao nhằm xoá đi những dấu son lịch sử, nhưng chúng đã thất bại bởi tinh thần đoàn kết của nhân dân một lòng bảo vệ dấu son đỏ.

Hướng tới kỷ niệm 44 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, kỷ niệm 10 năm lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đặc biệt là Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7. Đây cũng là dịp để nhân dân, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk quảng bá về hình ảnh, tiềm năng của mảnh đất kiên trung này!

Lam Sơn