(LSVN) - Mưa bão kỷ lục khiến miền Trung như một “túi nước”, khu vực miền núi lượng nước cực lớn ứ lại trong kết cấu rỗng của lòng đất, chỉ cần có trận mưa lớn lập tức xảy ra sạt lở.
PGS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những nguyên nhân mấu chốt gây ra trượt lở rộng khắp, tập trung trong thời gian rất ngắn ở khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ.
PGS Trần Tân Văn phân tích, nguyên nhân kích hoạt chính gây ra trượt lở ở miền Trung là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở. Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài, tất yếu dẫn đến trượt lở và lũ quét.
Lý giải vì sao trong các năm trước cũng có nhiều trận mưa lớn nhưng không xảy ra trượt lở nghiêm trọng như năm nay, PGS Trần Tân Văn cho biết, mưa còn đi kèm với các hiện tượng thời tiết đặc trưng của các năm. Ví dụ, năm 2019, hiện tượng thời tiết El Nino dẫn đến khô hạn kéo dài tại miền Trung. El Nino cũng khiến cho cấu trúc đất đá thay đổi, độ rỗng trong lòng đất lớn hơn. Năm nay lại xuất hiện hiện tượng La Nina, mưa bão liên tục đổ vào miền Trung. Những trận mưa lịch sử trút xuống liên tục. “Miền Trung như một túi nước, khu vực miền núi lượng nước cực lớn ứ lại trong kết cấu rỗng của lòng đất. Chỉ cần có trận mưa lớn lập tức xảy ra sạt lở” – PGS Trần Tân Văn nhận định.
Ngoài nguyên nhân kích hoạt chính kể trên thì khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dầy, giàu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều về chất. Các hoạt động dân sinh cả theo quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc..., cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.
Tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét... đã được Chính phủ quan tâm tìm giải pháp xử lý từ nhiều năm nay. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai một số Đề án về trượt lở (do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì) và lũ quét (do Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi Khí hậu chủ trì).
PGS Trần Tân Văn cho biết, Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở các vùng miền núi Việt Nam” đã được phê duyệt từ năm 2012 để triển khai thực hiện ở các khu vực miền núi của 37 tỉnh, chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Đến nay, Đề án đã thực hiện điều tra, thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở ở 25/37 tỉnh (cho đến Quảng Ngãi), thành lập các bản đồ trung gian và bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở ở 15/37 tỉnh, tất cả đều ở tỷ lệ 1:50.000.
Trên các bản đồ này khoanh định các diện tích có hiện trạng và nguy cơ trượt lở theo các cấp độ rất cao, cao, trung bình và thấp; phân loại các vị trí trượt lở theo quy mô rất lớn, lớn, trung bình và nhỏ, và theo các kiểu trượt như trượt xoay, trượt nêm, trượt phẳng, trượt hỗn hợp và trượt dạng dòng...
Ngoài ra, Đề án còn tiến hành điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở ở tỷ lệ 1:10.000 cho 200 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở cao, đến nay đã thực hiện được 64 xã. Các kết quả điều tra, đánh giá của Đề án đã và đang được chuyển giao cho các địa phương và Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai. Cũng theo kế hoạch, Đề án sẽ còn phải triển khai thực hiện một số hạng mục khác, như lập bản đồ độ nguy hiểm trượt lở, thiết lập thí điểm một số trạm quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm trượt lở...
PGS Trần Tân Văn khẳng định, từ các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo trượt lở, trong ngắn hạn, chúng ta có thể biết trước được ở cấp huyện, xã những diện tích có nguy cơ trượt lở cao hay những diện tích tương đối an toàn hơn mỗi khi mưa bão lớn, kéo dài, để trên cơ sở đó địa phương có thể thực hiện diễn tập hoặc sơ tán, di dời, thậm chí cứu hộ, cứu nạn khi trượt lở xảy ra.
Còn trong dài hạn, bản đồ được tích hợp để điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, tránh các hoạt động phát triển ở những khu vực có nguy cơ cao.
Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho biết đề án đã lập được 25/37 bản đồ hiện trạng cấp tỉnh, trong đó Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đều là những tỉnh nguy cơ sạt lở cao, hoặc mật độ sạt lở tập trung ở một địa bàn rất cao.
Số liệu thu thập năm 2018 cho thấy Quảng Trị có 241 vị trí sạt lở với 27 vị trí quy mô lớn, 4 vị trí quy mô rất lớn và đặc biệt lớn. Trượt lở đất đá thường xảy ra dọc hành lang đường Hồ Chí Minh. Mật độ toàn tỉnh không cao, nhưng mức độ tập trung ở một vài địa bàn lại rất dày, ví dụ huyện Hướng Hoá có 147 điểm sạt lở (chiếm 61%).
Thừa Thiên Huế được khảo sát năm 2019, ghi nhận 151 vị trí nguy cơ trượt lở, 205 vị trí đã xảy ra trượt lở. Trong đó, 4 điểm quy mô đặc biệt lớn (trên 100.000 m3), 61 vị trí có quy mô lớn. Trượt lở thường xảy ra trên các sườn taluy dọc tuyến giao thông chính và khu dân cư như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 74, 71 và 49. Tương tự Quảng Trị, mức độ toàn tỉnh Thừa Thiên Huế không cao nhưng trên địa bàn cụ thể lại rất cao, ví dụ huyện A Lưới có 122 điểm (59%).
Quảng Nam được điều tra năm 2019, các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn có nguy cơ trượt lở rất cao. Toàn tỉnh ghi nhận 723 vị trí biểu hiện trượt lở, 1.286 vị trí đã xảy ra trượt lở. Trong đó, 12 vị trí quy mô rất lớn và một vị trí quy mô đặc biệt lớn. Trượt lở tập trung chủ yếu ở đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn Đông, quốc lộ 40B và các sườn núi trồng cây lâm nghiệp.
MỸ LINH(t/h)