(LSVN) – Thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 05/5/2022 của Ban Chỉ đạo 103 về việc xây dựng đề án “Nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và đề án “Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”, sáng ngày 17/7/2022, tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đề án 103 Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Buổi làm việc do ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Đoàn Khảo sát chủ trì và điều hành.
Tham dự buổi làm việc có ông Vy Tư Liệu, Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Quang Trường, Phó Chánh Văn phòng, Thư ký Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; ông Trần Văn Lâm chuyên viên chính theo dõi Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng với sự tham gia của các Luật sư là lãnh đạo của các Ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn.
Ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Đoàn khảo sát chủ trì và điều hành buổi làm việc.
Phát biểu quán triệt tại buổi làm việc, ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Đoàn Khảo sát cho biết buổi làm việc nhằm tìm hiểu việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để phục vụ cho việc xây dựng đề án “Nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và đề án “Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”, từ đó tạo điều kiện để các hội thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt đông, tổ chức của mình. Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của các Hội quần chúng.
Theo đó, nội dung khảo sát chính của buổi làm việc tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ yếu là nghe báo cáo thực trạng, mô hình tổ chức, bộ máy chính sách, chức năng, nhiệm vụ; việc thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; từ đó đề xuất những biện pháp, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tạo điều kiện thuận lợi hơn để Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình,...
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, được lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước, sự phối hợp hỗ trợ của các ban, ngành, cơ quan ở Trung ương, các cấp ủy và chính quyền địa phương, Đảng đoàn Liên đoàn đã vượt qua được nhiều khó khăn, lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát triển vững chắc, có vị thế ngày một nâng cao, là mái nhà chung, là chỗ dựa, nơi quy tụ đội ngũ Luật sư cả nước vì mục đích chung là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế.
Những kết quả, thành tích mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đạt được trong những năm vừa qua được Đảng, Nhà nước và đội ngũ Luật sư ghi nhận, được xã hội thừa nhận là kết quả sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó có vai trò của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Bộ máy làm việc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư còn rất mỏng; cơ sở vật chất, trụ sở và kinh phí hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như của các Đoàn Luật sư là hết sức hạn hẹp và khó khăn vì trụ sở của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đa số là phải đi thuê; việc phát triển đội ngũ Luật sư còn mất cân đối, chủ yếu mới phát triển tập trung ở các thành phố lớn, chưa phát triển được đủ về số lượng ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và Tây Nguyên, đồng thời chất lượng của đội ngũ Luật sư cũng chưa đồng đều.
Về đào tạo bồi dưỡng Luật sư, Liên đoàn đã hoàn thành xây dựng Đề án thành lập Trường Đào tạo Luật sư nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt, điều này ảnh hưởng tới tâm tư nguyện vọng của đội ngũ Luật sư.
Về công tác Đảng tại các Đoàn Luật sư, hiện có 34/63 Đoàn Luật sư có tổ chức đảng, một số Đoàn Luật sư chưa có tổ chức Đảng nên gặp khó khăn khi có sự bất đồng trong bộ máy lãnh đạo của Đoàn Luật sư hoặc phát sinh vấn đề phức tạp trong nội bộ Đoàn Luật sư vì đã thiếu sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của tổ chức Đảng.
Sự phối hợp của Luật sư với một số cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp khó khăn, hiện tượng gây khó dễ, cản trở quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư vẫn tồn tại trong thực tế hành nghề Luật sư mà chưa được giải quyết triệt để.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đưa ra những kiến nghị để Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ, chức năng mà nhà nước giao cho. Cụ thể:
- Đề xuất với Đảng: Đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo để Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức Đảng ở các Đoàn Luật sư theo tinh thần Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư để các Đoàn Luật sư sớm thành lập tổ chức Đảng.
- Đề xuất với Quốc hội: Đề nghị Đảng đoàn Quốc hội xem xét chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư để tháo gỡ những vướng mắc trong việc quản lý và thực hiện tự quản Luật sư và hành nghề Luật sư.
- Đề xuất với Chính phủ: Đề nghị Chính phủ sớm thể chế hóa Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị để Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư được hưởng chế độ của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Trước mắt, nếu có thể được, đề nghị Chính phủ bố trí trụ sở làm việc cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại nhà CT13B, khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội (không phải trả tiền thuê hàng năm nữa).
- Đề xuất với Bộ Tư pháp: Đề nghị Bộ Tư pháp có biện pháp tháo gỡ cho việc thành lập cơ sở đào tạo Luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
- Đề xuất với các Bộ, ngành, các cấp ủy và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra tạo cơ hội, phối hợp chặt chẽ với Luật sư trong quá trình hành nghề, bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư.
Đề nghị các tỉnh, thành ủy thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc thành lập tổ chức đảng trong các Đoàn Luật sư, thống nhất mô hình và phương thức sinh hoạt để bảo đảm gắn kết vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên với vai trò của Luật sư trong hoạt động nghề nghiệp.
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí trụ sở làm việc cho các Đoàn Luật sư ở địa phương (đối với Đoàn Luật sư chưa có trụ sở); đồng thời hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Đoàn Luật sư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chế độ tự quản.
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý (công tác xây dựng pháp luật; rà soát thủ thục hành chính; trợ giúp pháp lý; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và một số hoạt động khác). Khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được giao nhiệm vụ thì các cơ quan cũng đề nghị về dự toán kinh phí để Chính phủ và Bộ Tài chính có thể hỗ trợ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn Khảo sát và các đại biểu tham dự đã thảo luận, đánh giá những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng thời, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Võ Văn Dũng, Trưởng Đoàn Khảo sát đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam và ghi nhận những kiến nghị, ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Trên cơ sở đó, đoàn sẽ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Ban Chỉ đạo 103 Trung ương để xây dựng, hoàn thiện “Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và “Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra.
THANH THANH - LÂM HOÀNG
Chủ tịch nước làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia và Liên đoàn Luật sư Việt Nam