Đoàn Kiểm tra do ông Bùi Văn Nghiêm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn. Các thành viên trong Đoàn Kiểm tra gồm: Ông Nguyễn Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ VI, Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Di Khanh, Thư ký Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Trần Văn Lâm, Chuyên viên chính Vụ VI, Ban Nội chính Trung ương.
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có: Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các Phó Chủ tịch gồm: Luật sư Phan Trung Hoài, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Luật sư Lưu Tiến Dũng.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp); đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an).
Tại buổi làm việc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã báo cáo với Đoàn Kiểm tra Ban Nội chính Trung ương về: (i) Tình hình các tổ chức Đảng tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư; (ii) Những vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của luật sư. Sự phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các cơ quan chức năng trong việc xử lý luật sư vi phạm; (iii) Những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của luật sư khi tham gia tố tụng và đưa ra một số đề xuất.
Về tình hình các tổ chức Đảng tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Trước đây, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có 02 tổ chức Đảng thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam là Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Ban Bí thư quyết định thành lập và Chi bộ Văn phòng cơ quan Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam trực thuộc Đảng ủy Bộ Tư pháp. Trong thời gian qua, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo Liên đoàn hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn và các mục tiêu đề ra. Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam luôn phối hợp hiệu quả, đúng quy định với các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các Ban Đảng Trung ương.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chính trị - pháp lý được Đảng và Nhà nước giao phó như đóng góp vào công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, trợ giúp pháp lý được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Trong công tác phối hợp phát triển tổ chức đảng tại các Đoàn Luật sư, Đảng đoàn đã đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về việc thành lập tổ chức Đảng trong Đoàn luật sư. Đảng đoàn gửi văn bản cho các Tỉnh/Thành ủy nơi Đoàn Luật sư chưa có tổ chức đảng đề nghị quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ thành lập tổ chức đảng tại Đoàn Luật sư. Đồng thời, Đảng đoàn và Thường trực Liên đoàn gửi văn bản cho các Đoàn Luật sư chưa có tổ chức đảng đề nghị Đoàn Luật sư chủ động đề xuất với Tỉnh/Thành ủy để thành lập tổ chức đảng.
Hiện có 34/63 Đoàn Luật sư đã có tổ chức đảng. Trong số trên 20.000 luật sư, có trên 2.400 luật sư là đảng viên. Các luật sư sinh hoạt đảng tại các Đoàn Luật sư và các tổ chức đảng khác. Tổ chức cơ sở đảng trong các Đoàn Luật sư rất khác nhau: có 21 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh, thành phố, 02 đảng đoàn, số chi bộ còn lại trực thuốc Đảng bộ Sở Tư pháp.
Trong công tác phối hợp phát triển tổ chức đảng tại các Đoàn Luật sư, Đảng đoàn đã đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về việc thành lập tổ chức Đảng trong Đoàn Luật sư. Đảng đoàn gửi văn bản cho các Tỉnh/Thành ủy nơi Đoàn Luật sư chưa có tổ chức đảng đề nghị quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ thành lập tổ chức đảng tại Đoàn Luật sư. Đồng thời, Đảng đoàn và Thường trực Liên đoàn gửi văn bản cho các Đoàn Luật sư chưa có tổ chức đảng đề nghị Đoàn Luật sư chủ động đề xuất với Tỉnh/Thành ủy để thành lập tổ chức đảng.

Các đại biểu tham dự.
Về tình hình tổ chức Đảng hiện nay, ngày 24/01/2025, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 245-QĐ/TW về việc thành lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, theo đó Chi bộ Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một chi bộ trực thuộc Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương.
Ngày 10/02/2025, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương ban hành Quyết định số 34-QĐ/ĐUMTTQ,CĐTTW về việc thành lập Chi bộ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Quyết định số 35-QĐ/ĐUMTTQ,CĐTTW về việc chỉ định các Đảng viên tham gia Chi ủy và chức danh Bí thư Chi bộ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Chi bộ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được hình thành từ Chi bộ Cơ quan Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam vốn trực thuộc Đảng ủy Bộ Tư pháp với 36 đảng viên (chưa kể 03 đồng chí Chỉ ủy viên là Đảng viên tổ chức đảng khác).
Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương đã chỉ định các đồng chí: 1) Đỗ Ngọc Thịnh; 2) Nguyễn Thị Quỳnh Anh; 3) Đào Ngọc Chuyền; 4) Lưu Tiến Dũng; 5) Phan Trung Hoài; 6) Nguyễn Hải Nam tham gia Chi ủy Chi bộ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và cử đồng chí Đỗ Ngọc Thịnh - nguyên Bí thư Đảng đoàn (thuộc Ban Bí thư quản lý) được chỉ định làm Bí thư Chi bộ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Các đại biểu tham dự.
Về những vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư; vi phạm pháp luật của luật sư, báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu rõ, phần lớn các đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo luật sư vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, tranh chấp về thù lao giữa luật sư và khách hàng.
Để giải quyết những vấn đề này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình với các Đoàn Luật sư để giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) trong hoạt động quản lý luật sư, xử lý các đối tượng lợi dụng hành nghề luật sư để vi phạm pháp luật.
Đồng thời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn thường xuyên trao đổi, xin ý kiến Bộ Tư pháp đối với các vấn đề phát sinh trong tổ chức và hoạt động luật sư, thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ và thường xuyên về hình hình tổ chức hoạt động của luật sư…

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Về hoạt động của luật sư khi tham gia tố tụng, báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu rõ, dưới ánh sáng Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; và Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII ban hành. Bộ luật Tố tụng hình sự đã có nhiều điểm mới, tiến bộ, trong đó quyền bào chữa và quyền được bào chữa của công dân được quy định thành một chương riêng (Chương V - Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự).
Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an đã có những quy định sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn quan trọng, tạo cơ chế thuận lợi và quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng hình sự. Cụ thể như: Bổ sung quy định mới về diện chủ thể và sự tham gia của luật sư từ giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, mở rộng quyền bào chữa và quyền được bào chữa của người bị buộc tội, quyền tiếp cận hồ sơ vụ án của luật sư, quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, trình tự tranh tụng và đối đáp tại phiên tòa, tăng cường cơ chế bảo vệ quyền hành nghề của luật sư...

Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, trong gần 10 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhận được nhiều đơn kiến nghị của các luật sư phản ánh về việc gặp khó khăn, trở ngại, một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tố tụng, xâm phạm, cản trở quyền hành nghề hợp pháp của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng…
Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Ban Nội chính Trung ương chủ trì với sự tham gia của Bộ Công an, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức những cuộc họp để trao đổi, đề xuất, tháo gỡ và cần thiết kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Luật sư liên quan đến hoạt động tham gia tố tụng của người bào chữa.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Bùi Văn Nghiêm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung , tổ chức buổi làm việc và đặc biệt là thành phần tham dự.
Qua 03 báo cáo của Liên đoàn, ông Bùi Văn Nghiêm cho rằng đây là những đánh giá, những kết quả nổi bật trong thời gian qua, đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bất cập đã được nêu rõ.
Tiếp thu những ý kiến, đề nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Nghiêm cho hay sẽ tổng hợp đầy đủ, đồng thời tiếp tục thực hiện tăng cường lãnh đạo của Đảng với tổ chức, hoạt động của luật sư và đưa vào báo cáo tổng kết, báo cáo Ban Bí Thư và Bộ Chính trị để tiếp tục có lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới.
Cũng theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trong những năm qua, hoạt động của đội ngũ luật sư đã đạt được kết quả tích cực, góp phần bảo vệ công cuộc cải cách tư pháp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Vị trí, vai trò của luật sư từng bước được nâng lên, thể chế về luật sư và hành nghề từng bước xây dựng, hoàn thiện. Đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề luật sư, việc quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề luật sư, luật sư gần đây đã được quan tâm hơn, giúp luật sư phát triển cả về số lượng, chất lượng, dịch vụ.
Thời gian tới, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng lưu ý một số nội dung đáng chú ý trong quá trình hoạt động của Liên đoàn Luật sư. Đồng thời, tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ luật sư, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm xã hội của luật sư. Đặc biệt biểu dương, khen thưởng kịp thời các luật sư có bản lĩnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, pháp chế xã hội chủ nghĩa, phê phán những hành vi tiêu cực.

Ông Bùi Văn Nghiêm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chức năng, ngoài giám sát của cơ quan dân cử, về hoạt động của luật sư, đảm bảo môi trường hoạt động nghề nghiệp của luật sư theo pháp luật nhà nước. Bên cạnh đó, cần giám sát với các cơ quan, trong đó Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải nắm được tình hình hoạt động của các luật sư và Đoàn Luật sư.
Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất trong sáng, giỏi kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế.