Quá trình hình thành và phát triển
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần TP. Hồ Chí Minh, phía Nam giáp TP. Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam bộ); dân số 2.685.513 người (Báo cáo của Cục Thống kê Bình Dương năm 2021); 09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (41 xã, 45 phường, 05 thị trấn) [1].
Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương có tiền thân là Đoàn Luật sư tỉnh Sông Bé được thành lập vào năm 1992 với 04 Luật sư trên cơ sở Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987. Ngày 01/01/1997, thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa 8 và Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, tỉnh Sông Bé được chia tách thành tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Theo Quyết định số 231/QĐ-UB ngày 24/01/1997 của UBND tỉnh Bình Dương, Đoàn Luật sư tỉnh Sông Bé đổi tên thành Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương. Vào thời điểm này, Đoàn có 08 Luật sư, trong đó có 06 Luật sư chính thức và 02 Luật sư tập sự.
Từ tháng 10 năm 2001 đến năm 2006, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương được tổ chức và hoạt động theo Pháp lệnh Luật sư năm 2001, được đánh dấu bằng sự kiện Hội nghị toàn thể Luật sư nhiệm kỳ năm 2002-2005, Đoàn có 18 Luật sư. Giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010, Đoàn được tổ chức và hoạt động theo Luật Luật sư năm 2006, vào thời điểm năm 2006, Đoàn có 23 Luật sư và 13 người tập sự hành nghề Luật sư. Năm 2010, khi Đại hội toàn thể Luật sư nhiệm kỳ VI (năm 2010-2014) được tổ chức, Đoàn có 44 Luật sư và 17 người tập sự hành nghề Luật sư.
Tính đến ngày 28/02/2023, Đoàn có 224 Luật sư, 77 người tập sự hành nghề Luật sư, 68 tổ chức hành nghề luật sư [2]. Trong 224 Luật sư có 73 Luật sư nữ (chiếm khoảng 33,6% tổng số Luật sư của Đoàn), 151 Luật sư nam, độ tuổi từ 31 đến 50 chiếm hơn 63%, có 01 tiến sỹ, 24 thạc sỹ và 199 cử nhân, 18 người đã từng làm việc trong cơ quan tiến hành tố tụng (09 thẩm phán, 06 kiểm sát viên và 03 điều tra viên); tỷ lệ Luật sư trên dân số của tỉnh là 0,0083%.
Bảng 1: Số lượng Luật sư Đoàn Bình Dương qua các năm.
Bảng 2: Độ tuổi Luật sư Đoàn Bình Dương.
Bảng 3: Sự phân bố các tổ chức hành nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Không tính chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư thuộc đoàn khác trên địa bàn tỉnh).
Về hoạt động hành nghề, số liệu từ năm 2010 đến nay cho thấy trung bình hàng năm, Luật sư tỉnh Bình Dương thực hiện khoảng 1.500 vụ việc, lĩnh vực dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng được mở rộng, các tổ chức hành nghề Luật sư không chỉ cung cấp các dịch vụ pháp lý truyền thống như tranh tụng trong các vụ án dân sự, hình sự, lao động, hôn nhân và gia đình, thực hiện các thủ tục hành chính mà đã mở rộng sang lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tư vấn đầu tư, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn pháp luật thường xuyên cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về công tác tham gia xây dựng pháp luật: Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương thường xuyên tham gia cùng Đoàn đại biểu Quốc hội, thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương góp ý xây dựng các dự thảo luật và các văn bản dưới luật. Điển hình là việc tham gia góp ý dự thảo Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tố cáo, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Căn cước công dân… Nhiều ý kiến góp ý của các Luật sư và Đoàn Luật sư đã được tiếp thu.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý tại địa phương, thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư là Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Đoàn luôn có trọng tâm, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị và tuyên truyền pháp luật của tỉnh.
Các Luật sư của Đoàn đã tích cực tham gia tư vấn pháp luật thường xuyên qua các chuyên mục trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Dương, Báo Bình Dương; phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương tuyên truyền pháp luật cho các hội viên của Hội. Tiêu biểu, vào ngày 06/11/2016, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương hưởng ứng tích cực “Ngày công nhân với pháp luật” do Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tổ chức tại thị xã Bến Cát, Đoàn Luật sư đã cử 40 Luật sư tham gia tư vấn pháp luật cho công nhân.
Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương đã tích cực tham gia tư vấn nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (Ngày 09 tháng 11) và Ngày hội "Công nhân với pháp luật" năm 2018 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức tại Trung tâm Văn hóa lao động của Liên đoàn lao động tỉnh. Đoàn Luật sư đã cử 36 Luật sư tham gia tư vấn pháp luật cho công nhân trong 03 buổi liên tục. Các tổ chức hành nghề Luật sư cũng có những chương trình tư vấn miễn phí vào Ngày Pháp luật Việt Nam, Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam và tư vấn miễn phí thường xuyên cho người lao động, người nghèo trong tỉnh.
Công tác tuyên truyền pháp luật đã được quần chúng nhân dân và chính quyền địa phương nhiệt tình ủng hộ. Ngoài ra, đa số các Luật sư của Đoàn tham gia làm cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, qua đó trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhiều đối tượng thuộc gia đình chính sách, người nghèo, trẻ em.
Về hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương luôn duy trì công tác xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, huy động và tổ chức phát hơn 200 phần quà từ thiện cho các hộ gia đình khó khăn trong tỉnh Bình Dương, Đoàn đã tài trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho những hộ dân nghèo trong tỉnh, xây dựng hai ngôi trường tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (khu vực biên giới giáp Trung Quốc); tài trợ 400 con bò giống cho các hộ dân nghèo ở các xã biên giới gồm Bình Phong Thạnh, Bình Hòa Đông, Bình Hòa Trung, Bình Hòa Tây, thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An (khu vực giáp biên giới Campuchia) được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tặng Bằng khen.
Đoàn cũng đã tặng quà, tiền mặt cho các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Y học cổ truyền thuộc tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. Hồ Chí Minh. Trong đại dịch Covid-19, nhiều Luật sư trong Đoàn đã quyên góp tiền, hiện vật, làm tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch bệnh.
Những thành tựu đã đạt được trong 30 năm hình thành và phát triển
Hoạt động hành nghề của Luật sư tỉnh Bình Dương góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền được pháp luật bảo vệ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thông qua hoạt động tranh tụng, Luật sư tỉnh Bình Dương giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh Bình Dương thực hiện các quyền của mình, đặc biệt là quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm theo quy định tại Điều 103 của Hiến pháp. Đồng thời, góp phần làm sáng tỏ các tình tiết, nội dung vụ án, giúp cho việc giải quyết vụ án thuận lợi, nhanh chóng, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, từ đó hạn chế được những tranh chấp dai dẳng, kéo dài hoặc phát sinh khiếu nại lên các cơ quan ở trung ương.
Việc tham gia bào chữa 100% các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng đối với vụ án thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa của Luật sư Bình Dương giúp hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Dương được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình trật tự, trị an trong tỉnh, Đoàn được Công an tỉnh Bình Dương tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong việc phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thông qua hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật, các Luật sư tỉnh Bình Dương góp phần giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh nắm bắt các quy định của pháp luật, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia các quan hệ pháp luật, từ đó có những biện pháp phòng ngừa rủi ro, hạn chế tranh chấp, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội. Hoạt động tư vấn đầu tư, kinh doanh, thương mại, tư vấn dài hạn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần giúp các doanh nghiệp an tâm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh.
Thông qua hoạt động đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại, hội nhập kinh tế, quốc tế, các Luật sư trong tỉnh Bình Dương góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý, đầu tư trong tỉnh. Đặc biệt, việc thực hiện Quyết định số 2600/QĐ-UBND ngày 21/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành phương án tăng cường sự tham gia của Luật sư trong việc tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp ý các chính sách thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương đã tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc áp dụng pháp luật phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các vụ việc phức tạp, bức xúc, kéo dài; tham gia tiếp, đối thoại với công dân theo quy định của Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại và Luật tố cáo khi có yêu cầu; tư vấn, góp ý về các chính sách, quy định thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình hoạch định, xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá, rà soát các quy định, chính sách.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, công nhân lao động giúp các đối tượng yếu thế trong tỉnh được tiếp cận dịch vụ pháp lý như những thành phần khác trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Cơ hội và thách thức
Từ một tỉnh thuần nông có xuất phát điểm thấp, qua hơn 25 năm tái lập, Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đứng thứ ba cả nước, là địa phương có GRDP/người thuộc hàng cao nhất nước[3]. Do vậy, cùng với sự phát triển, vươn lên của đất nước, các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại, dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình diễn ra phong phú, đa dạng nên nhu cầu về dịch vụ pháp lý cũng gia tăng nhanh chóng. Đây là điều kiện thuận lợi và cơ hội để các Luật sư tỉnh Bình Dương phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến sự phát triển nghề Luật sư trên địa bàn tỉnh, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý để nghề Luật sư phát triển[4]. Đoàn có nhiều Luật sư giỏi về chuyên môn, say mê với nghề, có nhiều Luật sư trẻ, năng động nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đa số Luật sư nhiệt tình, sẵn sàng tham gia và đóng góp trong các hoạt động xã hội, thiện nguyện; hầu hết các Luật sư đoàn kết, đồng lòng xây dựng Đoàn ngày càng vững mạnh.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 cho phép Luật sư kết nối với khách hàng dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi, có thể cung cấp dịch vụ không biên giới trong một thế giới phẳng; có thể thực hiện việc quảng bá, tiếp thị với chi phí thấp; nhờ công cụ tìm kiếm, luật sư tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc tra cứu, tìm kiếm, sàng lọc tài liệu, thông tin, tham khảo án lệ; việc số hóa hồ sơ cho phép Luật sư tiết kiệm cả về thời gian, chi phí và không gian làm việc. Luật sư có thể thực hiện được nhiều dịch vụ pháp lý hơn với chi phí thấp hơn.
Bên cạnh những cơ hội, Luật sư Bình Dương hiện nay còn đối diện với những thách thức chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, nghề luật là một nghề đặc thù, không những đòi hỏi người Luật sư phải có chuyên môn, kỹ năng hành nghề giỏi mà còn phải có kiến thức sâu, rộng về nhiều lĩnh vực khác. Số lượng Luật sư Bình Dương có trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp lý, giải quyết các vụ việc tranh chấp mang tính quốc tế rất ít. Đa số các tổ chức hành nghề Luật sư chỉ có người tốt nghiệp từ ngành luật mà chưa có người am hiểu trong các lĩnh vực kinh doanh, tiếp thị, công nghệ thông tin nên mặc dù hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (pháp lý) nhưng công tác quảng bá, tiếp thị, tìm kiếm khách hàng còn thụ động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành nghề còn sơ khai, chưa tận dụng được những thành quả của cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ.
Thứ hai, các Luật sư vẫn chưa liên kết, hợp nhất, sáp nhập để hình thành tổ chức hành nghề có quy mô lớn, chuyên môn sâu, có khả năng đảm đương việc tranh tụng những vụ án lớn, phức tạp, có yếu tố nước ngoài. Kỹ năng tranh tụng của một số Luật sư mới gia nhập Đoàn còn yếu, đặc biệt là các Luật sư mới đạt kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư do trong quá trình tập sự hành nghề Luật sư những người này chưa được tham gia phiên tòa, chỉ được quan sát và thực hiện những công việc theo sự phân công của Luật sư hướng dẫn.
Thứ ba, trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuất hiện một số đối tượng không phải là Luật sư nhưng tự xưng là Luật sư, treo biển hiệu và hoạt động hành nghề như Luật sư, khai thác quy định của Luật Doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp có chữ “luật” trong tên doanh nghiệp nhằm gây nhầm lẫn với tên của các tổ chức hành nghề Luật sư.
Trong khi Luật sư chịu sự điều chỉnh về pháp lý của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam và Nội quy của Đoàn, chịu sự kiểm tra, thanh tra của Sở Tư pháp và sự giám sát của Đoàn Luật sư thì các đối tượng này không ràng buộc bởi các quy định trên. Nhiều trường hợp người dân phản ánh đến Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương, Đoàn Luật sư tỉnh vì nhầm tưởng họ là Luật sư của Đoàn. Hoạt động của những đối tượng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của giới Luật sư tỉnh Bình Dương. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Bình Dương đang phối hợp xử lý những tổ chức, cá nhân này.
Với 30 năm hình thành và phát triển, cùng với những vận hội mới đang mở ra, các Luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương không ngừng phấn đấu, trao dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Dương vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
[1] Vùng đất của Hội tụ và phát triển, https://www.binhduong.gov.vn/gioi-thieu/2020/10/gioi-thieu-chung?gidzl=2OEGHJ1on7uAd990CMJ5UWMLb40dCSSjJSYKG2SvbdWImCCHBMEG81YMb4mcOyDz7PN2GpKCm6S8D7VFVm, truy cập hồi 20h00 ngày 04/5/2023. [2] Báo cáo số 01/2023/BC-ĐLS của Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương ngày 06/01/2023 về kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Luật sư (có cập nhật số liệu mới nhất từ Văn phòng Đoàn Luật sư). [3] Tài liệu Hội thảo tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và triển vọng, chuyên đề 2: Kinh tế - Phát triển đô thị, trang 1. [4] Quyết định số 659/QĐ-UBND ngày 14/3/2012 về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ Luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 26/01/2015 về việc ban hành Kế hoạch triển khai, thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ Luật sư và Chiến lược phát triển hành nghề Luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 2600/QĐ-UBND ngày 21/10/2014 về Phương án tăng cường sự tham gia của Luật sư trong việc tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp ý các chính sách thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; Kế hoạch số 1818/KH-UBND ngày 24/4/2019 triển khai thực hiện Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Dương. |
Thạc sĩ, Luật sư TRƯƠNG NHẬT QUANG
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương