(LSVN) - Ngày 05/7/2022, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện nhiệm vụ bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Ảnh minh họa.
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị - pháp lý được Đảng và Nhà nước giao, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Trong 02 năm vừa qua, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai với khoảng với 385 Luật sư, hoạt động trong 136 Tổ chức hành nghề Luật sư (trong đó có 98 Văn phòng Luật sư, 38 Công ty luật, 19 chi nhánh, 07 Văn phòng giao dịch và 09 Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân).
Theo quy định tại khoản 1, Điều 72, Bộ luật Tố tụng hình sự: "Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa".
Cũng theo quy định tại Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự:
"1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa".
Như vậy, đối chiếu với quy định pháp luật nêu trên, vị trí, vai trò của Luật sư được ghi nhận, nhất là trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa, nhằm bảo đảm nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, nguyên tắc Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự và nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm.
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự trong thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện đã rất chú trọng đến việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về thực hiện quy định bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội, nhất là đối với những trường hợp phải chỉ định người bào chữa, hầu hết đều có văn bản đề nghị Đoàn Luật sư phân công Tổ chức hành nghề Luật sư cử người bào chữa.
Về kết quả thực hiện, theo tổng hợp số liệu các vụ án chỉ định từ tháng 6/2020 – 6/2022, số lượng vụ án hình sự có người bị buộc tội phải chỉ định người bào chữa, cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phân công Tổ chức hành nghề Luật sư cử Luật sư bào chữa gồm có 305 bị can. Cụ thể:
- Hiếp dâm: 01,
- Cướp tài sản: 07,
- Cướp giật tài sản: 02,
- Trộm cắp tài sản: 18,
- Công nhiên chiếm đoạt tài sản: 01,
- Cố ý làm hư hỏng tài sản: 1,
- Giết người: 86,
- Cố ý gây thương tích: 08,
- Mua bán trái phép chất ma túy: 47,
- Vận chuyển trái phép chất ma túy: 08,
- Tàng trữ trái phép chất ma túy: 08,
- Lạm dụng dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: 05,
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 27,
- Buôn lậu: 40,
- Đánh bạc: 03,
- Hiếp dâm người dưới 16 tuổi: 22,
- Mua bán người dưới 16 tuổi: 02,
- Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ: 06,
- Cố ý làm hư hỏng tài sản: 01,
- Tàng trữ, lưu hành tiền giả: 03
- Tham ô tài sản: 03,
- Trốn khỏi nơi giam giữ: 01,
- Gây rối trật tự công cộng: 01
- Bắt giữ người trái pháp luật: 01,
- Không tố giác tội phạm: 01,
- Chứa mại dâm: 01,
- Tổ chức đánh bạc: 01,
Về kết quả thực hiện việc gửi văn bản yêu cầu Luật sư, tiếp nhận và phân công:
Về cơ bản, việc gửi văn bản yêu cầu Luật sư (chủ yếu từ giai đoạn điều tra) chưa đúng quy định tại Điều 74, Bộ luật Tố tụng hình sự (trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ), các cơ quan điều tra thường gửi yêu cầu phân công người bào chữa sau 02 - 03 ngày, kể từ khi người bị buộc tội bị bắt, bị tạm giữ. Cá biệt có trường hợp sau khi bị bắt hơn 30 ngày thì Cơ quan điều tra mới có văn bản yêu cầu phân công người bào chữa gửi Đoàn Luật sư. Tuy nhiên, việc tiến hành ghi lời khai, hỏi cung bị can đều có sự tham gia của Luật sư bào chữa theo chỉ định.
Việc tiếp nhận văn bản yêu cầu và phân công Tổ chức hành nghề: Văn phòng Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đều tổ chức tiếp nhận và phân công ngay khi nhận được yêu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (nhất là thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh), nên có lúc chưa kịp thời.
- Việc chấp hành Quyết định phân công của Ban Chủ nhiệm: Phần lớn các Tổ chức hành nghề đều khá chủ động trong việc tiếp nhận và chấp hành sự phân công, chủ động liên hệ với cơ quan điều tra các cấp để phối hợp trong việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số Tổ chức hành nghề chấp hành chưa nghiêm, để thông báo, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chậm trong công tác tham gia án chỉ định (như Văn phòng Luật sư Trường Tuyền,…).
Về thủ tục đăng ký bào chữa theo chỉ định:
- Nhìn chung, cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư trong việc đăng ký bào chữa theo chỉ định, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời phục vụ công tác điều tra, xét xử.
- Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng trong yêu cầu phân công người bào chữa, cơ quan điều tra không ghi số điện thoại của ĐTV (hoặc cán bộ điều tra), nên gây không ít khó khăn trong hoạt động phối hợp, nhất là đối với những Luật sư lần đầu tham gia (không biết ai để liên hệ), dẫn đến việc phối hợp chưa nhịp nhàng, cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho quan hệ phối hợp.
Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa:
- Về cơ bản, cơ quan điều tra tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư thực hiện các quyền của người bào chữa theo quy định tại khoản 1, Điều 73, Bộ luật Tố tụng hình sự: Gặp, hỏi người bị buộc tội; Có mặt khi lấy lời khai, khi hỏi cung bị can; Tham gia một số hoạt động điều tra; Đề nghị triệu tập người tham gia tố tụng; Kiểm tra, xem xét, đánh giá chứng cứ;…
- Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn những hạn chế nhất định: Việc tham gia của Luật sư vào những hoạt động điều tra khác (ngoài hỏi cung bị can) còn ít, việc thông báo và giúp Luật sư đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra hầu như chưa được thực hiện, cá biệt có một số trường hợp không gửi kết luận điều tra cho Luật sư sau khi kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát.
- Nhiều Luật sư không nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án trước khi xét xử nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Phần lớn Luật sư chưa thực hiện được nhiệm vụ thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu do chưa có cơ chế, chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể hoạt động này của Luật sư, dẫn đến khó thực hiện, hoặc nếu có thì cũng khó được cơ quan tiến hành tố tụng nhìn nhận là chứng cứ.
- Ở gia đoạn truy tố: Thẳng thắn nhìn nhận thì thấy vai trò của Luật sư bào chữa theo chỉ định tại giai đoạn này còn nhiều hạn chế, ngoài việc tham gia phúc cung cùng Kiểm sát viên. Bên cạnh đó, nhiều vụ án Kiểm sát viên không gửi cáo trạng/quyết định tố tụng cho Luật sư, cũng tạo ra không ít khó khăn cho Luật sư thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
- Việc tham gia bào chữa tại phiên tòa: Hầu hết Tòa án các cấp đều thông báo cho Luật sư về lịch xét xử, tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư tham gia phiên tòa và tác nghiệp tại phiên tòa, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng. Luật sư tham gia phiên tòa đều bảo đảm văn hóa ứng xử tại phiên tòa, có tác phong chuẩn mực, có ý thức giữ gìn đạo đức nghề Luật sư. Sau khi xét xử, Tòa án đều gửi bản án cho Luật sư.
Đánh giá chung:
Về ưu điểm:
- Văn phòng Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức trực thường xuyên các ngày trong tuần, tiếp nhận các Yêu cầu phân công người bào chữa của Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp và kịp thời phân công các Tổ chức hành nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vụ án đúng thời hạn, đúng pháp luật.
- Hầu hết các Luật sư được phân công án chỉ định đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chấp hành pháp luật đầy đủ, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp và tạo dựng được sự tin tưởng của khách hàng;
- Thời gian qua, Đoàn Luật sư không nhận được bất ký phản ánh nào của Tòa án nói riêng, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp nói chung về việc Luật sư tham gia án chỉ định vi phạm đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, nội quy phiên tòa hoặc vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, Đoàn Luật sư cũng không nhận được bất kỳ phản ánh, khiếu nại nào của Luật sư tham gia án chỉ định đối với hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Về hạn chế:
- Luật sư ít được mời tham gia vào các hoạt động điều tra khác (ngoài hỏi cung bị can); đa phần các trường hợp Luật sư không nhận được quyết định tố tụng ở giai đoạn truy tố (cáo trạng của Viện Kiểm sát) nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tranh tụng, chất lượng giải quyết vụ án;
- Trong giai đoạn điều tra, truy tố, cơ quan tiến hành tố tụng chậm thanh toán hoặc không đề cập đến việc thanh toán thù lao cho Luật sư chỉ định;
- Trong giai đoạn xét, Tòa án có quan tâm thanh toán thù lao cho Luật sư, nhưng ghi nhận thời gian ít (chỉ tính 01 ngày xét xử), không ghi nhận thời gian thời gian gặp bị cáo trước khi xét xử, thời gian nghiên cứu hồ sơ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của Luật sư.
Đối với những vấn đề trên, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã có những giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới như sau:
Cụ thể, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc phân công, theo dõi việc thực hiện án chỉ định của các Tổ chức hành nghề, của Luật sư được cử tham gia án chỉ định. Có biện pháp chấn chỉnh, kịp thời xử lý những Tổ chức hành nghề, Luật sư lơ là hoặc chậm/không chấp hành thực hiện nghĩa vụ tham gia án chỉ định.
Luật sư tham gia án chỉ định cần chủ động sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ vụ án, nhất là việc Luật sư thu thập, cung cấp, sử dụng chứng cứ.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp thường xuyên giáo dục Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề Luật sư, nhất là trong mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, đề cao tinh thần trách nhiệm của các Luật sư, đảm bảo phối hợp tốt, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động tố tụng, tôn trong lẫn nhau và tuân thủ pháp luật một cách triệt để;
Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư và lãnh đạo Cơ quan điều tra, lãnh đạo Viện Kiểm sát và lãnh đạo TAND các cấp cần thống nhất cụ thể phương thức trả thù lao cho Luật sư tham gia án chỉ định đã được pháp luật quy định, nhằm bảo đảm chi trả đúng công sức của Luật sư mới góp phần động viên Luật sư tích cực tham gia vào công tác phối hợp này.
PV
Ban Giám sát Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022