/ Hoạt động Luật sư
/ Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức Tọa đàm 'Chia sẻ kinh nghiệm pháp lý trong đầu tư dự án bất động sản và trọng tài thương mại'

Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức Tọa đàm 'Chia sẻ kinh nghiệm pháp lý trong đầu tư dự án bất động sản và trọng tài thương mại'

05/01/2021 18:10 |

(LSO) - Ngày 19/9/2020, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phối hợp với Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC) tổ chức buổi Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm pháp lý trong đầu tư dự án bất động sản và trọng tài thương mại".

Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm pháp lý trong đầu tư dự án bất động sản và trọng tài thương mại".

Thực hiện chương trình hoạt động năm 2020, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phối hợp với Câu lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế Việt Nam (VBLC) tổ chức “Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm pháp lý trong đầu tư dự án bất động sản và trọng tài thương mại”.

Buổi Tọa đàm có sự tham gia của Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN; Luật sư Phạm Quốc Tuấn, Luật sư điều hành DIMAC; Luật sư Trần Anh Đức, Luật sư thành viên Allen & Overy; Luật sư Hà Ngọc Hải, Luật sư thành viên Allen & Overy; ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC tại TP. HCM cùng nhiều Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư và cá nhân khác.

Buổi Tọa đàm được tổ chức với những nội dung hết sức thực tế, là nơi để các Luật sư chia sẻ kinh nghiệm với nhau về những góc nhìn thực tế, khách quan trong các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) và liên doanh trong lĩnh vực bất động sản; quá trình mua bán cổ phần và liên doanh trong lĩnh vực bất động sản, thảo luận kinh nghiệm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài...

Luật sư Lê Quang Y, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Với tham luận về "Đầu tư nước ngoài và các giao dịch về đất đai, các bất động sản tại Việt Nam”, Luật sư Trần Tuấn Phong - Luật sư sáng lập VILAF đã nhìn nhận thực tế, đưa ra những đánh giá khách quan nhất và đề cao vấn đề về các hình thức chính yếu để có quyền sử dụng đất của nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, về những hình thức như thuê đất của nhà nước và trả tiền thuê đất, xin giao đất và trả tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất một lần (đối với dự án kinh doanh nhà ở), thuê đất hoặc thuê lại đất của các tổ chức hoặc cá nhân, nhận chuyển nhượng dự án gắn liền với quyền sử dụng đất.

Buổi tọa đàm với sự tham gia của nhiều Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư và cá nhân khác.

Cũng trong buổi Tọa đàm, Luật sư Trần Anh Đức và Luật sư Hà Ngọc Hải đã đề cập vấn đề "Quy trình mua bán cổ phần và liên doanh trong lĩnh vực bất động sản và các vấn đề pháp lý liên quan" một cách chi tiết. Các Luật sư nhấn mạnh về tính thiết thực trong tình hình đầu tư vào thị trường Bất động sản. Dẫn chứng về vấn đề này, các Luật sư thành viên Allen & Overy cho hay, dựa vào số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, FDI tại Việt Nam trong năm 2019 là 38,02 tỉ USD; theo lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực bất động sản xếp thứ 2 khi đóng góp 3,88 tỉ USD, chiếm 10,2% tổng FDI tại Việt Nam.

Với cách nhìn tổng quát, các Luật sư đều đánh giá cao vấn đề thẩm định pháp lý giúp xác định những gì đang được bán và đánh giá giá trị của công ty mục tiêu, xác định "những yếu tố có thể khiến giao dịch bị chấm dứt"; xác định rủi ro pháp lý và tìm biện pháp bảo vệ, xác định các điều kiện tiên quyết; xác định các công việc tái cấu trúc cần thực hiện và thúc đẩy bán công bố thông tin.

Tham luận "Thảo luận kinh nghiệm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài", các Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Luật sư Phạm Quốc Tuấn đề cao hai vấn đề: thứ nhất, các tranh chấp phổ biến giữa chủ đầu tư với cơ quan nhà nước liên quan đến dự án bất động sản; thứ hai là các tranh chấp hợp đồng phổ biến trong dự án bất động sản.

Với vấn đề thứ nhất, Luật sư Đinh Ánh Tuyết nêu rõ về các tranh chấp phổ biến giữa chủ đầu tư với cơ quan nhà nước liên quan đến dự án bất động sản. Trong đó bao gồm, khiếu nại, tranh chấp về các quyết định cấp, thu hồi đất, cấp, thu hồi dự án bất động sản, xử phạt trong lĩnh vực đất đai, bất động sản.

Khiếu nại, tranh chấp về hành vi vi phạm trình tự, thủ tục thời hạn trong lĩnh vực đất đai của các cơ quan nhà nước. Tranh chấp khiếu nại về đền bù, giải tỏa, về thay đổi các quyết định của cơ quan nhà nước, áp dụng sai các quy định về đất đai.

Vấn đề thứ hai, các tranh chấp hợp đồng phổ biến trong dự án bất động sản cũng được đề cập rõ ràng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về các vấn đề như tranh chấp giữa chủ dự án phát triển nhà ở và người mua nhà trong hợp đồng ứng trước tiền mua nhà.

Tranh chấp giữa chủ đầu tư nhà chung cư và chủ sở hữu căn hộ trong việc tính toán diện tích sở hữu chung (thuộc về chủ đầu tư) và sở hữu riêng (thuộc về khách mua nhà). Và tranh chấp giữa chủ đầu tư và đối tác hợp tác, nhà đầu tư thứ cấp, nhà cung cấp, nhà thầu... theo hợp đồng và tranh chấp trong nội bộ nhà đầu tư (với cổ đông, người quản lý,...).

Các tham luận đã nhận được ý kiến phản biện, góp ý sôi nổi từ các Luật sư đồng nghiệp, các chuyên gia pháp lý tại buổi Tọa đàm. Theo Luật sư Lê Quang Y, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, đây là những hoạt động hết sức thiết thực đối với quá trình hành nghề của các Luật sư. Buổi tọa đàm là nơi để chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong các vấn đề thường gặp về pháp lý trong đầu tư dự án bất động sản và trọng tài thương mại.

Buổi Tọa đàm cũng góp phần giúp các doanh nghiệp nắm vững các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực bất động sản nhằm hạn chế những rủi ro khi đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Kết thúc buổi Tọa đàm, các Luật sư tham dự sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành học Bồi dưỡng nghiệp vụ 04 giờ theo quy định.

LÂM HOÀNG

/tong-quan-ve-dao-duc-va-ung-xu-nghe-nghiep-luat-su-trong-quan-he-voi-dong-nghiep.html