/ Hoạt động Luật sư
/ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô

15/02/2025 14:20 |1 tháng trước

(LSVN) - Ngày 14/02/2025, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì, UBND xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Thủ đô năm 2024 tới cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã.

Tham dự hội nghị, về phía Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và hơn 10 luật sư thành viên đại diện cho nhiều tổ chức hành nghề luật sư khác nhau trên địa bàn thành phố. 

Về phía Ủy ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì có sự tham dự của bà Bùi Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì; ông Phạm Tiến Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hiệp; bà Nguyễn Thị Bích Nhiên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tam Hiệp, với gần 200 đại biểu cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã tham dự.

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Luật sư Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuyên truyền pháp luật về chính sách phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã Tam Hiệp nói riêng và nhân dân Thủ đô nói chung.

Luật sư Nguyễn Văn Hà giới thiệu các nội dung chính, những điểm mới cơ bản của Luật Thủ đô năm 2024, theo đó làm nổi bật quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khi sửa đổi Luật Thủ đô.

Quang cảnh hội nghị

 Quang cảnh hội nghị

Theo đó, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024 (sau đây gọi tắt là Luật Thủ đô năm 2024). Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Riêng 05 nội dung gồm: (1) Việc quản lý, sử dụng không gian ngầm quy định tại Điều 19 của Luật này; (2) Việc thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa quy định tại khoản 7 Điều 21 của Luật này; (3) Việc phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quy định tại Điều 23 của Luật này; (4) Việc thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25 của Luật này; (5) Việc thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao quy định tại Điều 40 của Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025. Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.

Theo Luật sư, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta khi xây dựng và ban hành Luật Thủ đô năm 2024 là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng. Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.

Trên cơ sở các mục tiêu, quan điểm khi xây dựng Luật Thủ đô, việc thể chế hóa các quy định trong Luật Thủ đô để đảm bảo xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước phát triển. Luật Thủ đô được ban hành với nội dung rất quan trọng như: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô. Cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội và quy trình, thủ tục, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Kết thúc hội nghị, bà Bùi Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì đã phát biểu bày tỏ sự cảm ơn về hoạt động tuyên truyền pháp luật mà Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã dành cho cán bộ và toàn thể nhân dân trên địa bàn xã Tam Hiệp, đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, thiết thực và mong rằng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Các Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chụp ảnh cùng đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì, lãnh đạo UBND xã Tam HIệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Các Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chụp ảnh cùng đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì, lãnh đạo UBND xã Tam HIệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

PV