
Quang cảnh buổi gặp mặt.
Về phía Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh có Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; các Phó Chủ nhiệm: Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Luật sư Hà Hải; các thành viên Ban Chủ nhiệm: Luật sư Phan Thị Hồng Điểm, Luật sư Phùng Anh Chuyên; cùng các luật sư thuộc Câu lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế, Câu lạc bộ Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, đại diện các công ty luật, các luật sư thành viên của Đoàn và đại diện Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Quang cảnh buổi gặp mặt.
Về phía đoàn Nhật Bản, có sự tham dự của Luật sư Abe Yoshikazu, Phó Ban Hợp tác Quốc tế Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, Trưởng đoàn công tác, cùng các luật sư thành viên đoàn công tác.
Tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đã giới thiệu khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Đoàn được thành lập từ ngày 24/10/1989 theo Quyết định số 634/QĐ-UB của UBND TP. Hồ Chí Minh với 68 thành viên, đến nay Đoàn đã phát triển mạnh mẽ, có hơn 8.000 luật sư thành viên, hơn 2.000 tổ chức hành nghề và hơn 600 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Đoàn có Ban Chủ nhiệm gồm 15 thành viên, Hội đồng Khen thưởng - kỷ luật 11 thành viên, cùng 6 ban chuyên môn, Câu lạc bộ Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và Câu lạc bộ Nữ luật sư.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa phát biểu khai mạc và giới thiệu các luật sư thành viên trong Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tham dự.
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, vừa đại diện cho đội ngũ luật sư, vừa thực hiện chức năng giám sát, đảm bảo tính minh bạch, đạo đức nghề nghiệp và chất lượng dịch vụ pháp lý. Đoàn không chỉ tham gia tích cực vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp lý, trợ giúp pháp lý miễn phí, mà còn góp tiếng nói quan trọng trong xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu trình bày giới thiệu khái quát về sự hình thành và phát triển của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, một số luật sư thành viên của Đoàn hiện đang là Đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và tham gia các tổ chức xã hội khác như Hội Luật gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức bảo trợ xã hội.

Luật sư Nguyễn Hải Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.
Về phía Nhật Bản, Luật sư Ikeuchi Masatoshi chia sẻ: Nghề luật sư ở Nhật có lịch sử hơn 200 năm, nhưng phải đến năm 1949, luật hành nghề luật sư mới được quy định cụ thể và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (JFBA) mới chính thức ra đời. Điểm đặc biệt là JFBA hoạt động hoàn toàn độc lập, không chịu sự quản lý của Chính phủ hay bộ ngành. Chủ tịch JFBA được bầu cử với nhiệm kỳ 2 năm.

Luật sư Abe Yoshikazu giới thiệu các thành viên đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.
Số lượng luật sư tại Nhật đã tăng nhanh sau cải cách tư pháp, từ 19.000 luật sư vào năm 1990, đến nay đã lên 45.000 luật sư, trong đó có khoảng 9.000 luật sư nữ, chiếm 20%. Ngoài ra, các luật sư hành nghề độc lập còn tổ chức trong Hiệp hội Luật sư nội bộ doanh nghiệp (JIA), và hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng luật sư chuyên trách.

Luật sư Hà Hải thay mặt Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tặng quà lưu niệm cho đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.
Đặc biệt, Luật sư Nhật Bản được yêu cầu tuân thủ quy định đạo đức hành nghề rất nghiêm ngặt, thường xuyên tham gia đào tạo chuyên môn bắt buộc. Họ cũng có xu hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tham gia nhiều mạng lưới luật sư quốc tế và hợp tác chặt chẽ với luật sư các nước để hỗ trợ hoạt động đầu tư và thương mại xuyên biên giới.

Luật sư Nguyễn Hải Nam thay mặt Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận quà lưu niệm từ Luật sư Abe Yoshikazu.
Tại buổi gặp mặt, hai bên đã thảo luận xoay quanh những vấn đề thực tiễn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đang quan tâm khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Nội dung thảo luận tập trung vào các khía cạnh chuyên sâu như: Phương thức tiếp cận và tìm kiếm luật sư Việt Nam phù hợp trong điều kiện có rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa pháp lý; tiêu chí lựa chọn luật sư có năng lực chuyên môn cao, am hiểu pháp luật và thông thạo trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý xuyên biên giới; cơ chế tính toán và cấu trúc chi phí dịch vụ pháp lý, đặc biệt là chi phí cho hoạt động tố tụng và các dịch vụ tư vấn pháp lý ngắn hạn; các giải pháp chia sẻ, tối ưu hóa và minh bạch chi phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn lực tài chính hạn chế.

Các luật sư tham dự buổi gặp mặt.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi chuyên sâu về phương thức phối hợp hành nghề giữa luật sư Nhật Bản và luật sư Việt Nam, bao gồm việc cùng tham gia soạn thảo hợp đồng, tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp và đại diện trong các vụ việc quốc tế, từ đó tạo dựng cơ chế hợp tác bền vững và thuận lợi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Các luật sư tham dự buổi gặp mặt.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Luật sư Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh: Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ ngoại giao bền chặt hơn 52 năm và đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Nhật Bản là nước đứng đầu về vốn viện trợ ODA và thuộc nhóm dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác giữa luật sư hai nước, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đang hoạt động và đầu tư tại Việt Nam, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đây không chỉ là cơ hội để phát triển nghề luật sư theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế mà còn góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư và củng cố quan hệ song phương ngày càng sâu sắc, hiệu quả.

Các luật sư chụp ảnh lưu niệm.
Buổi gặp mặt đã khép lại trong không khí cởi mở, thân tình và đầy thiện chí hợp tác, mở ra kỳ vọng về những chương trình phối hợp cụ thể và thiết thực hơn trong thời gian tới giữa Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh với Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.
Đây sẽ là nền tảng để phát huy vai trò của đội ngũ luật sư trong quan hệ hợp tác quốc tế, trở thành cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp hai nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy đầu tư, thương mại và giao lưu pháp lý ngày càng phát triển bền vững.