Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 11a quy định điều kiện cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp:
- Phải có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên;
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả, các kiến nghị tại Kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
- Có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.
Đối với tổ chức tín dụng:
- Phải có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; vốn điều lệ từ 50.000 tỉ đồng trở lên;
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả, các kiến nghị tại Kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
- Có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm quy định thủ tục và hồ sơ cấp giấy phép sản xuất vàng miếng.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung nhiều nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ và cung cầu vàng để cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng; đồng thời xác định hạn mức hàng năm cho từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép sản xuất vàng miếng. Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng chỉ được phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu từ các nhà sản xuất được chứng nhận bởi Hiệp hội Thị trường vàng London (LBMA).
Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nhập khẩu vàng phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng, hàm lượng sản phẩm; chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng đã công bố. Đồng thời, xây dựng và báo cáo quy định nội bộ về xuất khẩu, nhập khẩu; xây dựng biện pháp đảm bảo an toàn khi xuất nhập khẩu vàng; xây dựng quy định nội bộ về việc bán vàng nguyên liệu, đảm bảo công khai, minh bạch và công bố thông tin về quyền, nghĩa vụ khách hàng. Vàng miếng, vàng nguyên liệu nhập khẩu chỉ được sử dụng cho các mục đích: sản xuất vàng miếng, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, bán cho các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép sản xuất vàng miếng hoặc vàng trang sức mỹ nghệ.
Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phải xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ đầy đủ, chính xác dữ liệu về xuất nhập khẩu và giao dịch mua bán vàng nguyên liệu; kết nối dữ liệu cho cơ quan quản lý. Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện cấp phép xuất nhập khẩu vàng, hồ sơ, thủ tục và thời hạn của giấy phép.
Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung thêm quy định về việc thanh toán mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng và tài khoản thanh toán của doanh nghiệp kinh doanh vàng mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khi bán vàng nguyên liệu mua từ tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quy định tại Điều 11a Nghị định này phải lập và sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật; lưu trữ đầy đủ, chính xác dữ liệu giao dịch bán vàng nguyên liệu; kết nối cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…