(LSVN) - Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm vẫn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Điều này đòi hỏi cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) cần tiến hành thanh tra để rà soát, xử phạt vi phạm. Vậy nợ bảo hiểm bao lâu thì bị thanh tra?
Ảnh minh họa.
Căn cứ khoản 2 Điều 21 Luật BHXH năm 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo tỷ lệ % nhất định để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo BHXH.
Theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, được sửa bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, thời hạn đóng bảo hiểm được đặt ra đối với doanh nghiệp như sau: (i) Trường hợp đóng hằng tháng: Hạn nộp tiền BHXH chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng; (ii) Trường hợp đóng 03 tháng/lần hoặc 06 tháng/lần: Hạn nộp tiền BHXH chậm nhất là ngày cuối cùng của phương thức đóng đã chọn. Nếu nợ tiền đóng bảo hiểm từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ bị tính lãi chậm đóng và bị xử lý vi phạm về hành vi chậm đóng BHXH (theo khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014).
Với hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, doanh nghiệp có thể bị thanh tra chuyên ngành. Bởi theo Điều 5 và Điều 7 Nghị định 21/2016/NĐ-CP, BHXH Việt Nam và BHXH cấp tỉnh hoàn toàn có quyền thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, theo thông tin từ BHXH Việt Nam, các đơn vị sử dụng lao động nợ trên hai tháng, cơ quan BHXH đề nghị nộp đầy đủ số tiền còn phải đóng trước ngày đầu của tháng sau liền kề. Quá thời hạn này, cơ quan BHXH sẽ thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng các loại bảo hierm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy, doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm trên 02 tháng rất có thể sẽ bị thanh tra.
Ngoài ra, người sử dụng lao động vi phạm sẽ bị phạt theo điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
Theo đó, người sử dụng lao động là cá nhân nợ tiền bảo hiểm quá thời hạn quy định sẽ bị phạt 12% - 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 75 triệu đồng. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt nặng hơn với mức từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP). Lúc này, ngoài việc phải đóng đủ số tiền BHXH chưa đóng, doanh nghiệp còn phải đóng thêm một khoản tiền lãi chậm đóng cho cơ quan BHXH.
PV