/ Tích hợp văn bản mới
/ Doanh nghiệp Việt Nam có thể chào bán chứng khoán tại nước ngoài?

Doanh nghiệp Việt Nam có thể chào bán chứng khoán tại nước ngoài?

05/01/2021 18:05 |

(LSO) - Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính nêu rõ các điều kiện chào bán cổ phiếu tại nước ngoài của công ty đại chúng.

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo dự thảo, điều kiện chào bán cổ phiếu tại nước ngoài của công ty đại chúng là: Không thuộc danh mục ngành nghề mà pháp luật Việt Nam cấm bên nước ngoài tham gia và phải đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán cổ phiếu tại nước ngoài và phương án sử dụng vốn thu được.

Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Đáp ứng quy định của pháp luật nước sở tại.

Đòng thời phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng; Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán.

Đăng ký chào bán chứng khoán tại nước ngoài  

Trong dự thảo đã nêu rõ, công ty đại chúng phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tài liệu đăng ký chào bán chứng khoán tại nước ngoài trước khi gửi hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán chính thức cho cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài bao gồm:

Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán chứng khoán và phương án sử dụng vốn huy động từ đợt chào bán chứng khoán tại nước ngoài.

Báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực kế toán quốc tế trong trường hợp pháp luật nước sở tại yêu cầu.

Giấy xác nhận tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.

Có văn bản chấp thuận phát hành chứng khoán ra nước ngoài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng; Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán.

Và các hồ sơ đăng ký chào bán với cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức phát hành đăng ký chào bán.

Cùng với đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức phát hành ý kiến chấp thuận hay không chấp thuận về hồ sơ chào bán và nêu rõ lý do.

Báo cáo kết quả chào bán

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành phải báo cáo kết quả chào bán chứng khoán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời công bố thông tin về kết quả đợt chào bán trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Báo cáo kết quả chào bán gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải đồng thời gửi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để điều chỉnh tỷ lệ cổ phần của tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài được phép giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Bộ Tài chính phải quy định cụ thể về mẫu báo cáo và nội dung công bố thông tin.

Báo cáo tiến độ sử dụng vốn

Trong quá trình sử dụng vốn huy động từ đợt chào bán ra nước ngoài, định kỳ 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, tổ chức phát hành phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin về lý do quyết định thay đổi.

LÂM HOÀNG

/cat-giam-don-gian-hoa-quy-dinh-lien-quan-den-hoat-dong-kinh-doanh-giai-doan-2020-2025.html