/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Đối mặt với không tặc

Đối mặt với không tặc

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Vụ án Lê Văn Tống (Lý Tống) bị khởi tố, bắt tạm giam và đưa ra xét xử vào tháng 02/1993 đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Vốn là một phi công dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, Lý Tống đã thực hiện hành vi “không tặc” chưa từng có tiền lệ chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Bài phỏng vấn này được thực hiện sau khi phiên tòa được xét xử, với một trong những nhân chứng trực tiếp là tiếp viên Hãng hàng không Việt Nam Airlines, diễn viên điện ảnh Lê Hồng Thủy Tiên. Dưới đây là bài phỏng vấn với Lê Hồng Thủy Tiên vào cuối tháng 3/2003.

Có lẽ lần đầu tiên Thủy Tiên tham dự một phiên tòa?

- Vâng, đúng anh ạ. Trước đây, sau khi bắt được Lý Tống, Cơ quan điều tra có mời tụi em nhưng cán bộ điều tra cũng tâm lý nên đến trực tiếp Đoàn bay để lấy lời khai nhân chứng…

Thủy Tiên nhớ lại chuyến bay ngày 04/9/1992, sự việc xảy ra như thế nào?

- Diễn biến sự việc có phần em chứng kiến, có phần không. Như thường lệ, sau khi đến Băng Cốc (Thái Lan), tụi em chuẩn bị để dồn khách lên. Nguyễn Xuân Thủy Tiên, bạn em phụ trách trước (hạng I), còn em ở khoang sau. Cách phi trường Tân Sơn Nhất khoảng nửa giờ bay, lúc đó em từ phía sau chạy lên lấy tờ khai hải quan cho khách, bỗng em thấy hai cái chân của bạn em nằm dài trên sàn máy bay, em rất ngạc nhiên, cứ tưởng bạn bị xỉu… Vừa chạy vô, em bị một người đeo kính choàng dây qua cổ, rồi bắt em nằm xuống. Em bị bất ngờ, không hiểu chuyện gì xảy ra.

Nhưng sau đó...?

- Sau khi em nhìn thấy 2 người bị trói gồm bạn em và anh bạn tiếp viên Minov Chavdar Milehev, em chợt hiểu tất cả… Nói là bất ngờ vì lúc đầu chưa hiểu, sau em nghĩ là không tặc và trấn tĩnh lại. Ông ta nói bằng tiếng Anh, kêu em mở cửa buồng lái, rồi hét lên là có bom, nếu không mở ông ta sẽ cho bom nổ chết hết tất cả… Em suy nghĩ không biết mục đích ông ta làm cái gì, vì khi học ở trường hàng không, tụi em được hướng dẫn những tình huống có không tặc, cần phải biết rõ mục đích của ông ta. Nguy hiểm nhất là những kẻ mất trí, liều mạng. Chỉ cần không làm theo lệnh dù nhỏ thì tai họa cũng có thể xảy ra. Điều cần thiết là phải tìm cách báo cho cơ trưởng biết, không nên bất ngờ mở cửa buồng lái, sẽ khiến tổ lái hốt hoảng điều khiển máy bay khó khăn… Em nói với ông ta: “Tôi không hiểu ông nói gì cả”, sau đó mở cửa phòng vệ sinh kế bên… Ông ta hét lên: “Không phải, tôi đã nói với cô là mở cửa buồng lái mà. Nếu không tôi sẽ giết cô!”.

Cuối cùng em phải mở cửa, ông ta bước vào buồng lái. Lúc đó, cơ trưởng Vitkov quay lại, bình tĩnh nói: “Mày là đàn ông, sao lại đối xử thô bạo với phụ nữ?”. Ông ta tuyên bố với cơ trưởng là “không tặc”. Sau đó, em được giải thoát, bước ra ngoài, còn ông ta đóng cửa buồng lái lại. Em cởi trói cho bạn em và Milehev… Hình như ông ta sợ Milehev ở bên ngoài được cởi trói sẽ tấn công ông ta từ phía sau, nên lâu lâu lại mở cửa ngó xem. Em nói với ông ta: “Cô ta có làm gì đâu? Để tôi cởi trói cho bạn tôi”. Ông ta nói: “Ờ, cũng được”. Sau đó, ông ta ném một xấp truyền đơn xuống dưới sàn, nói tụi em phát cho khách. Em quơ xấp truyền đơn lại, cho vào thùng rác... Sau đó em chạy xuống khoang hành khách, thông báo cho tổ phía sau biết và trấn an hành khách…

Lúc đó, hành khách đã biết có không tặc chưa?

- Chưa biết, chỉ có một số hành khách khoang hạng I xôn xao do thấy tụi em chạy lên chạy xuống nhưng không biết rõ chuyện gì xảy ra. Cho đến khi cơ trưởng thông báo chính thức trên máy bay có không tặc, đề nghị mọi người bình tĩnh, thắt dây an toàn thì họ mới hiểu rõ. Lúc đó, hành khách rất hoảng loạn, họ vội vàng lấy áo phao cấp cứu ra choàng vào người.

Lê Hồng Thúy Tiên - nữ Tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines với tư cách nhân chứng tại phiên tòa ngày 24/02/1993. Ảnh: Xuân Ngọc.

Theo nguyên tắc, chỉ khi nào đáp khẩn cấp trên biển, áo này mới sử dụng, có 2 nút để giật ra cho áo phồng lên và chỉ khi nào ra đến cửa mới giật 2 nút này, vì để tránh việc choán chỗ cửa ra vào hoặc có thể làm cho khách nghẹt thở… Một vài hành khách không biết, do lúng túng nên giật nút trước. Tụi em thấy vậy rất lo sợ, hét lên micro yêu cầu hành khách không được giật nút áo phao. Có một hành khách người Hoa, không hiểu được tiếng Anh lẫn tiếng Việt, đang bị nghẹt thở tái mặt, lưỡi lè ra… Lúc đó, cửa bên trái máy bay đã bị mở, cánh cửa bị vặn xéo lại, áp suất đột ngột thay đổi nên máy bay chao đảo, xóc rất mạnh. Đáng lẽ, tụi em cũng phải ngồi vào ghế của mình và thắt dây an toàn, nhưng nhìn thấy ông khách đó, em vừa chạy vừa vấp ngã, đến bên ông ta, xì áo phao xuống. Sau gặp lại em, ông khách này cảm ơn quá trời!

Thủy Tiên có biết không tặc nhảy ra khỏi máy bay như thế nào không?

- Em không biết cụ thể, vì sau khi không xuống được bằng cửa lên xuống, ông ta vào buồng lái…,  sau đó, mọi người được biết không tặc đã nhảy ra khỏi máy bay. Chưa hết lo, lại thêm sự kiện không kém phần kinh hoàng là theo lời tên không tặc, trên máy bay có bom hẹn giờ, không biết nổ lúc nào! Khi máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường, cơ trưởng thông báo cho tụi em là phải lo cho hành khách thoát hiểm ra ngoài bằng bất cứ giá nào, càng nhanh càng tốt, còn lại tổ lái cùng tiếp viên phải ra sau cùng. Khi xuống dưới đất, nhiều hành khách không hiểu chuyện đó nên cứ đứng cạnh máy bay. Nếu bom nổ sẽ rất nguy hiểm. Tụi em phải chạy xuống đất yêu cầu hành khách nhanh chóng lên ôtô rời xa máy bay.

Phải nói là tụi em rất phục ông Vitkov, cơ trưởng. Ngoài sự bình tĩnh trong xử lý, đó còn là một con người có bản lĩnh. Sau khi là người cuối cùng đi kiểm tra tất cả các khoang xem có hành khách nào bị kẹt lại không, ông ta xuống đất đi một vòng quanh máy bay xem xét, rồi mới khoác áo vest trên tay xách cặp bình thản bước đi, như chưa hề xảy ra chuyện gì...

Suốt thời gian xảy ra sự việc, Thủy Tiên nghĩ gì?

- Em mới vào ngành hàng không làm tiếp viên hơn 1 năm, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng lo nhất là an toàn của hành khách trên máy bay. Quả thật, em chỉ mong sao được về với mẹ...

Tại sao trên chiếc khay đựng thức ăn lại có dao inox mà sau này, Lý Tống lấy cắp làm vũ khí? Thường là chỉ dao bằng nhựa…

- Đúng là cần phải nói rõ hơn điểm này. Phiên tòa hôm qua, em định đính chính về chiếc dao inox này. Theo tiêu chuẩn quốc tế, ở tất cả các ghế khoang hạng I, tất cả các đồ dùng phục vụ đều phải bằng sành, sứ, còn muỗng, nĩa, dao... bằng inox. Các khoang hạng II, III mới dùng dao nhựa. Cho đến bây giờ, khoang hạng I bao giờ cũng vậy…

Xin hỏi một câu ngoài lề: Thủy Tiên đã đóng trong phim “Chân dung màu đỏ” và “Vị đắng tình yêu” tập 1. Liệu có một sự so sánh giữa nghề diễn viên và nghề tiếp viên hàng không?

- Em chưa bao giờ đặt một sự so sánh như vậy. Tính em muốn được đi đây, đi đó, nghề tiếp viên hàng  không giúp em hiểu nhiều hơn về thế giới bên ngoài. Còn điện ảnh ư? Em rất nhớ phim trường… Chắc là khi nào có điều kiện, được phép của lãnh đạo Vietnam Airlines, có thể em sẽ tham gia đóng một phim nào đó thích hợp.

Hiện giờ, Thủy Tiên vẫn bay bình thường? Có sợ không?

- Sau sự kiện không tặc ngày 04/9/1992, tụi em nghỉ ít ngày, rồi bay lại bình thường. Chiếc máy bay A310-200 đã được sửa chữa và sau đó hãng Jes Air đã đem về nước. Em nghĩ không có gì phải sợ cả, vì hành vi không tặc luôn nhận được sự trừng phạt nghiêm khắc của luật pháp...

PHONG LINH

/so-phan-cua-mot-ten-khong-tac.html