Ảnh minh hoạ.
Tại dự thảo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về ưu tiên vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các đối tượng sau:
- Người lao động là người dân tộc thiểu số;
- Người lao động là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo;
- Người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình;
- Người lao động là thân nhân người có công với cách mạng;
- Người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
- Người lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;
- Người lao động có đất thu hồi;
- Người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.
Theo dự thảo, người lao động theo quy định nêu trên được vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc đã được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa cơ quan việc làm cấp tỉnh với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;
- Đăng ký thường trú tại địa phương nơi có nhu cầu vay vốn;
- Có bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật.
Chính phủ quy định mức vay, thời hạn, lãi suất cho vay và điều kiện bảo đảm tiền vay.
Ngoài ra, về trình tự, thủ tục vay vốn, người lao động có nhu cầu vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài lập hồ sơ vay vốn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội nơi đăng ký thường trú. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo cho người lao động bằng văn bản và nêu rõ lý do. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục vay vốn.
PHƯƠNG TRANG
Cảnh báo lừa đảo khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshipping