/ Tin nổi bật
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt Xuân Nhâm Dần 2022

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt Xuân Nhâm Dần 2022

20/01/2022 04:31 |

(LSVN) - Xuân Nhâm Dần đang về, đem lại cho mỗi người chúng ta, trong đó có các Luật sư một sức sống mới, một nghị lực và niềm tin mới. Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt Xuân Nhâm Dần 2022 tiếp tục với những bài viết đặc sắc của các tác giả là những Nhà khoa học, Nhà nghiên cứu, Luật sư… đem lại cho độc giả những cái nhìn khái quát về các vấn đề kinh tế, xã hội; các vấn đề pháp lý đang được quan tâm.

Năm 2021 - một năm với rất nhiều sự kiện nổi bật đối với đất nước và giới Luật sư. Trong đó, Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nay là nước CHXHCN Việt Nam; chào mừng thành công Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ 2021-2026... Với tôn chỉ, mục đích phản ánh hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, hoạt động nghề nghiệp của giới Luật sư, tiếp nối thành công của những ấn phẩm trước đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam ra mắt số đặc biệt Xuân Nhâm Dần 2022 (tháng 01+02/2022). 

Tạp chí Luật sư Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả số ra tháng 01+02/2022 với những nội dung đặc sắc, đa chiều, với nội dung các bài viết chính sau đây.

Sau hai ngày làm việc (25-26/12/2021), Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III đã kết thúc tốt đẹp. Đại hội đã bầu ra được 31 ủy viên trong tổng số 93 ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III; 21 ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn; Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III gồm 6 Luật sư.

Đại hội vinh dự được đón ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Tạp chí Luật sư Việt Nam xin trân trọng giới thiệu một số nội dung cơ bản trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội qua bài viết: "Xây dựng đội ngũ Luật sư Việt Nam ngày càng lớn mạnh, ngang tầm nhiệm vụ mới" của tác giả Chí Trung.

Sau hơn 12 năm kể từ khi thành lập và sau hai nhiệm kỳ hoạt động, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò “ngôi nhà chung” của giới Luật sư cả nước. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, và trước sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và hoạt động nghề nghiệp của giới Luật sư cả nước. Quán triệt nội dung này, Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III đã dành nhiều thời gian thảo luận về phương hướng, giải pháp hoạt động cho cả nhiệm kỳ. Đặc biệt, Đại hội đã xác định cụ thể về 12 nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ. Nội dung này được thể hiện cụ thể trong bài viết: "Những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ III".

Tại chuyên mục Chào mừng thành công Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, Tạp chí Luật sư Việt Nam giới thiệu đến bạn đọc Danh sách Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III; Danh sách ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III; Danh sách uỷ viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III.

Chúc mừng năm mới Nhâm Dần 2022, Luật sư Nguyễn Minh Tâm có bài viết:"Đôi điều cảm nhận trước thềm Xuân mới". 

Năm Tân Sửu sắp qua đi và một mùa Xuân mới - Xuân Nhâm Dần lại về. Trước thềm xuân mới, lòng mỗi người lại rộn lên những cảm xúc về sự giao mùa của Trời Đất theo quy luật của vạn vật tự nhiên. Nhìn lại một năm qua, đại dịch Covid-19 là một biến cố, một tai họa đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của loài người, của mỗi người trên trái đất này. Trầm tĩnh lại, ta có thể gặt hái được nhiều bài học quý báu để tự điều chỉnh hành vi của mình với những khát vọng mới, nghị lực mới trong tư duy mà cha ông đã dạy “Thuận Thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, tạo cho toàn xã hội cũng như mỗi người một lối sống mới trước đại dịch Covid-19 theo phương châm sống chung với nó để duy trì sự tồn tại và phát triển của xã hội trong từng quốc gia, dân tộc.

Ngoài ra, còn có các bài viết đặc sắc khác như: "Vững bước trên con đường đổi mới"  của Luật sư Trần Văn Chương, "Tết là ngày trở về" của tác giả Đức Dũng,...

Chuyên mục Nghiên cứu, trao đổi tiếp tục với những bài viết pháp lý chuyên sâu của các Nhà nghiên cứu, Luật sư. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa với bài viết: "Bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt nhìn từ góc độ pháp lý về quyền và trách nhiệm công dân"

Trong đường lối lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn coi trọng ngôn ngữ, gắn ngôn ngữ với lợi ích của quốc gia, quyền lợi dân tộc, quyền lợi nhân dân; có định hướng để bảo vệ, gìn giữ và phát triển ngôn ngữ. Tiếng Việt là thành tố quan trọng của văn hóa Việt Nam.

Ở nước ta, các dân tộc nhìn chung đều có ngôn ngữ của mình (tiếng mẹ đẻ), nhưng tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia (quốc ngữ)  theo quy định tại Hiến pháp 2013. Mọi công dân Việt Nam, dù thuộc dân tộc nào, cũng có trách nhiệm và quyền lợi khi sử dụng quốc ngữ trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhìn từ góc độ pháp lý, bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt là quyền đồng thời là trách nhiệm của mỗi công dân

Kế hoạch xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là một kế hoạch Đề án quốc gia có tầm vóc rộng lớn, có tính thời sự cao, thể hiện tính bức thiết cả về tư duy lý luận và thực tiễn. 12 nội dung nghiên cứu với 28 chuyên đề chuyên sâu triển khai cho thấy Kế hoạch xây dựng Đề án hướng tới xây dựng một mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp; xây dựng các chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược cải cách hành chính, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam…

Để góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án, dưới giác độ khoa học pháp lý cần duy danh định nghĩa tường minh hơn một từ khóa quan trọng nhất của Đề án là “nhà nước pháp quyền”. Việc làm rõ khái niệm này có ảnh hưởng trực tiếp tới thành công và chất lượng thực tế của triển khai xây dựng Đề án. Nội dung này được thể hiện rõ trong bài viết: "Pháp quyền hay nhà nước pháp quyền?" của PGS, Tiến sĩ, Luật sư Chu Hồng Thanh.

Bên cạnh đó, chuyên mục còn có các bài viết: "Nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật đối với kiểm soát giao dịch giữa người có liên quan tại ngân hàng thương mại" của Thạc sĩ Trần Linh Huân; "Tín dụng cho người yếu thế - Tiếp cận từ góc độ tài chính toàn diện" của Tiến sĩ Lê Ngọc Thắng; "Bảo vệ người vay trong hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính" Thạc sĩ Trần Thế Hệ; "Vai trò của chính sách pháp luật về tài chính-ngân hàng trong nền kinh tế thị trường" của Tiến sĩ Ngô Văn Hiệp,...

Chuyên mục “Nhìn ra thế giới”, tác giả Nguyễn Quang Du với bài viết: "Nhà nước pháp quyền Cộng hòa liên bang Đức". 

Nhà nước pháp quyền là hình mẫu lý tưởng mà nhiều nước trên thế giới hướng tới, bởi đó là kết quả phát triển của nền văn minh nhân loại khi pháp luật được tôn vinh và thực thi hiệu quả… Cơ chế bảo hiến đáng tin cậy của CHLB Đức - một trong những yếu tố quan trọng của Nhà nước pháp quyền được Luật Cơ bản 1949 quy định, đặc biệt với sự kiểm tra, giám sát, phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang và tòa án hiến pháp 16 bang được duy trì và phát triển vững chắc.

Với những nội dung đa dạng, hấp dẫn, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả trong cả nước Ấn phẩm đặc biệt số tháng 01+02/2022 Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Mừng xuân mới Nhâm Dần, với tất cả tình cảm quý mến và sự trân trọng, Ban Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam xin chúc Quý bạn đọc, các cộng tác viên, các đối tác luôn dồi dào sức khỏe, bình an, hạnh phúc và tiếp tục đồng hành cùng Tạp chí Luật sư Việt Nam trong thời gian tới.

HỒNG HẠNH

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt tháng 10/2021 Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam

Lê Minh Hoàng