Ở bài “Phát huy vai trò, trách nhiệm của Luật gia, Luật sư trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền” của Trung tướng, PGS.Tiến sĩ Phan Xuân Tuy (Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân) cho rằng, trong tổng thể 10 nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong thời gian tới nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn mới, Đảng ta đã xác định một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng là phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân. Nội dung này cũng thể hiện một vấn đề mang tính nguyên tắc đó là tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong thực hiện chủ trương này. Trong đó, đội ngũ Luật gia, Luật sư Việt Nam và các tổ chức Hội Luật gia, Đoàn Luật sư nước ta có vai trò và trách nhiệm hết sức quan trọng, trở thành một trong các yếu tố không thể thiếu của sự phát triển kinh tế thị trường và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đích thực. Bài viết khái quát những nội dung liên quan đến quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; trách nhiệm của đội ngũ Luật gia, Luật sư Việt Nam đối với nhiệm vụ này; qua đó tác giả kiến nghị một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện thời gian tới nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ Luật gia, Luật sư trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Dưới góc nhìn mới về cuộc đời và sự nghiệp của Luật sư Phan Văn Trường - tổ nghề của giới Luật sư Việt Nam, GS.Tiến sĩ Đỗ Văn Đại (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) có bài “Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường: yêu nước thông qua pháp luật và bài học kinh nghiệm cho ngày nay”. Như tác giả nhận định: Tình yêu nước và pháp luật là hai yếu tố không tách rời nhau trong con người Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường. Bài viết tôn vinh Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường qua khảo cứu tình yêu đất nước của ông thông qua pháp luật và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho cuộc sống đương đại. Tình yêu quê hương, đất nước của ông, một nhà trí thức, có quan hệ mật thiết với pháp luật. Những gì ông đã làm và để lại vẫn còn nhiều giá trị cho chúng ta ngày nay, đặc biệt là đối với những người có nghề nghiệp gắn liền với pháp luật. Đó là các bài học về nỗ lực học tập pháp luật, về tư tưởng cải cách pháp luật, về tuyên truyền pháp luật và về việc vận dụng pháp luật, thể hiện qua những việc làm và ứng xử của ông thông qua pháp luật.
“Trách nhiệm của Luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng” là tiêu đề bài viết của Luật sư, Tiến sĩ Lương Khải Ân (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cùng nhóm tác giả. Bài viết nghiên cứu về trách nhiệm của Luật sư đối với khách hàng được ràng buộc thông qua các cam kết theo hợp đồng dịch vụ pháp lý và quy định của pháp luật thể hiện qua các quyền và nghĩa vụ của Luật sư trong việc thực hiện các vụ, việc được khách hàng giao phó. Nghiên cứu cũng làm rõ những hạn chế theo cam kết về trách nhiệm của Luật sư với khách hàng do không phù hợp với các quy định, gây nên những tranh chấp, thậm chí gây thiệt hại cho khách hàng. Từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm thống nhất áp dụng và sửa bổ sung các quy định giúp cho việc thực hiện các cam kết của Luật sư rõ ràng, minh bạch hơn, đáp ứng các nhiệm vụ của Luật sư, đúng với quy định của pháp luật, nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động nghề nghiệp, góp phần tăng cường cải cách tư pháp, bảo vệ tối ưu các quyền lợi hợp pháp của khách hàng trong bối cảnh hiện nay.
Luật sư Nguyễn Văn Phúc và Luật sư Nguyễn Nhật Dương (Công ty Luật TNHH HM&P) có bài “Vai trò của Luật sư trong quá trình thi hành bản án kinh doanh, thương mại”. Các tác giả cho rằng, thi hành án là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cả người được thi hành án và người phải thi hành án (được đề cập trong bài viết đều là các doanh nghiệp). Nếu không đạt được mục đích cuối cùng của hoạt động thi hành án, toàn bộ quá trình tố tụng và nội dung bản án phần nào đó có thể bị xem là vô nghĩa đối với người được thi hành án. Vì vậy, trong giai đoạn thi hành án, vai trò của những người phụ trách pháp lý, cụ thể là Luật sư của các đương sự cần được đặc biệt đề cao. Với bài viết này, các tác giả đã chia sẻ một số quan điểm về vai trò của Luật sư trong quá trình thi hành bản án kinh doanh, thương mại, dựa trên kinh nghiệm thực tế với vai trò là Luật sư của người được thi hành án.
Chức năng quản lý văn hóa - giáo dục là một trong những chức năng có tầm quan trọng đặc biệt của Nhà nước. Qua bài “Vai trò của chức năng quản lý văn hóa - giáo dục trong giai đoạn phát triển nền kinh tế số”, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hưng (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định đây là chức năng có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa, tinh thần và môi trường học tập, nghiên cứu của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển nền kinh tế số và hội nhập sâu rộng với quốc tế đã làm cho môi trường văn hóa, hệ thống giáo dục tại Việt Nam chịu rất nhiều tác động. Điều này đặt ra đòi hỏi chức năng quản lý văn hóa - giáo dục cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp và thích ứng với các yêu cầu của tình hình mới. Bài viết nghiên cứu về vai trò của chức năng quản lý văn hóa - giáo dục trong giai đoạn phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng đặc biệt quan trọng này.
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 10/2023.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!
BBT