“Về biện chứng của phương pháp luận nghiên cứu luật học” là tựa đề bài viết của GS.TS Võ Khánh Vinh (Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Đây là chủ đề nghiên cứu vừa mang tính hàn lâm thông thái vừa mang tính thực tiễn sâu sắc, chi phối toàn bộ hoạt động nghiên cứu của nhà nghiên cứu luật học, có ý nghĩa thế giới quan, phương pháp luận, lý luận và thực tiễn đặc biệt quan trọng, mang tính trí tuệ, tinh thông sâu sắc, có biện chứng của nó. Bài viết bàn đến biện chứng của phương pháp luận nghiên luật học thông qua việc luận giải mối quan hệ giữa tri thức luật học và tri thức về phương pháp luận nghiên cứu của luật học, tính thống nhất, sự phân hóa, tính tích hợp của tri thức luật học, mối quan hệ giữa khách thể, đối tượng và phương pháp luận nghiên cứu của luật học, mối quan hệ giữa phương pháp luận và tiếp cận nghiên cứu của luật học, mối quan hệ giữa tiếp cận nghiên cứu, lý luận pháp luật và phương pháp nghiên cứu của luật học.
TS.LS Liêu Chí Trung (Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam) có bài “Luật sư tham gia “làm luật”: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. “Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay “làm luật” bao gồm nhiều giai đoạn, hoạt động khác nhau với những nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện được quy định khá chặt chẽ. Theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 thì có đến 15 loại/nhóm văn bản quy phạm pháp luật thuộc các cơ quan, tổ chức khác nhau ở nước ta có thẩm quyền ban hành. Bài viết chủ yếu đề cập đến văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện hoặc điều chỉnh. Cùng với việc phân tích thực trạng, quy định cũng như những ưu điểm khi luật sư tham gia vào hoạt động này là một số xuất kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đối với công tác xây dựng pháp luật hiện nay ở nước ta.
Hiện nay, sự tham gia của luật sư vào các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) và đặc biệt là hòa giải, đối thoại ngày càng trở thành một phần tiêu chuẩn của thực tiễn pháp lý. Với bài “Vai trò của luật sư trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án”, tác giả ThS Bùi Ai Giôn (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã nêu rõ vai trò quan trọng của luật sư trong hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án năm 2020. Qua đó đề xuất sự cần thiết phải có sự tham gia của luật sư vào hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Trong khuôn khổ Bộ Tư pháp đang đề xuất xây dựng Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư năm 2006, với hai bài viết: “Nâng cao chất lượng hành nghề luật sư và một số góp ý hoàn thiện về mặt pháp lý” (ThS Trần Linh Huân - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) và “Góp ý hoàn hiện Luật Luật sư” (LS Lê Nguyên Hòa - Công ty Luật TNHH LHLegal, các tác giả tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Luật sư hiện hành và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hành nghề luật sư.
Bài “Những vấn đề pháp lý phát sinh khi giải quyết tranh chấp về bảo hành công trình xây dựng” của LS Võ Quốc An (Công ty Luật TNHH ALB & Partners) đã cho thấy những tranh chấp liên quan đến bảo hành công trình xây dựng xảy ra phổ biến và còn nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa cụ thể. Qua việc phân tích, bình luận đường lối giải quyết của tòa án và trọng tài trong các vụ tranh chấp, bài viết làm rõ một số vấn đề pháp lý xoay quanh nội dung bảo hành công trình xây dựng, bao gồm: thời hạn bảo hành; bảo lãnh bảo hành và nghĩa vụ bảo hành trong trường hợp chấm dứt hợp đồng xây dựng.
Khi vay vốn của tổ chức tín dụng, ngoài việc thế chấp tài sản bảo đảm là đất đai, nhà xưởng, các chủ thể kinh doanh có thể dùng hàng hóa trong quá trình kinh doanh, sản xuất để làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên hiện nay, các vấn đề liên quan đến thế chấp hoặc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là hàng hóa luân chuyển trong sản xuất và kinh doanh vẫn chưa được quy định rõ ràng. Bộ luật Dân sự hiện hành cũng không quy định việc đăng ký thế chấp đối với hàng hóa luân chuyển, nên trong thực tế, việc xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, có ý nghĩa quan trọng. Bài viết “Bàn về việc xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng” của các các tác giả ThS Phạm Lê Trâm Anh và ThS Lê Văn Sơn (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) phân tích thực trạng và những quy định pháp luật về xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển, những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng những quy định này, qua đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển.
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 10/2024.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!