/ Hoạt động Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 10/2022

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 10/2022

18/10/2022 08:14 |

(LSVN) - Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2022), Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 10/2022 gồm nhiều bài viết có nội dung liên quan đến Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư.

Nghề Luật sư ở Việt Nam xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX, nhưng ban đầu chỉ thuộc về người Pháp và phải đến những năm 30 của thế kỷ XX bằng Sắc lệnh ngày 25/5/1930 của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Pierre Marie Antoine Pasquyer, nghề Luật sư mới dành cho người Việt tham gia để bảo vệ quyền lợi cho người dân bản xứ.

Những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước diễn biến phức tạp của tình hình trong nước, chính quyền cách mạng đã phải trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn, phức tạp. Tuy vậy, trong hoàn cảnh đó đã có nhiều Luật sư tham gia bộ máy chính quyền nhân dân, đồng thời có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của đất nước. Bài viết “Luật sư trong các chính phủ và chính quyền cách mạng trước năm 1975” của Luật sư Liêu Chí Trung (Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam) giới thiệu về một số Luật sư tiêu biểu trong các chính phủ và chính quyền cách mạng để thấy phần nào vai trò, hoạt động của Luật sư trong quá trình xây dựng nhà nước và đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Tiếp theo bài “Giải quyết xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư” đăng trên số ra tháng 09/2022, Luật sư Nguyễn Hải Nam (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) có bài “Những xung đột lợi ích điển hình trong hành nghề Luật sư”. Bài viết phân tích những tình huống điển hình về xung đột lợi ích mà Luật sư phải giải quyết trong khi hành nghề quy định tại Quy tắc 15.3, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

“Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật hiện nay” của ThS.Luật sư Trương Nhật Quang (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) đề cập đến nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong hoạt động hành nghề của Luật sư; các phương thức tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Luật sư và những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Luật sư. Tác giả cho rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần được Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình hoạt động. Để công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được thực hiện thường xuyên và liên tục, mỗi Đoàn Luật sư cần có ban xây dựng pháp luật, tập hợp các Luật sư tâm huyết, có kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn sâu làm nòng cốt để cùng với các Luật sư trong đoàn kịp thời đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật.

Từ thực tiễn hành nghề, ThS.Luật sư Đào Ngọc Lý (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) có bài “Văn phòng Luật sư có được nhận ủy quyền của khách hàng trong giao dịch dân sự?”. Tác giả cho biết, trong thời gian qua, nhiều Luật sư và văn phòng Luật sư (VPLS) bày tỏ sự không đồng thuận, thậm chí phản ứng khá gay gắt việc một số cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận văn bản ủy quyền của khách hàng cho VPLS trong giao dịch dân sự vì cho rằng VPLS hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, không có tư cách pháp nhân; bởi vậy, căn cứ khoản 1, Điều 138, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì VPLS không được đại diện cho nguyên đơn tham gia hoạt động tố tụng tại tòa án. Tác giả căn cứ vào Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Luật sư và các văn bản có liên quan để phân tích và đồng thuận với các ý kiến cho rằng VPLS được nhận ủy quyền của khách hàng trong quan hệ dân sự khi tham gia tố tụng, trừ những nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật; đồng thời mong nhận được ý kiến phản hồi, chia sẻ của các đồng nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thống nhất áp dụng vấn đề này trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Luật sư và VPLS thực hiện được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình khi hành nghề, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, cũng như tuân thủ đúng Luật Luật sư và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

“Bồi thường thiệt hại cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật: Một số bất cập trong thực tiễn” là nhan đề bài viết của hai tác giả: PGS.TS Nguyễn Khắc Hùng và Nguyễn Quốc Duy (Trường Đại học Trà Vinh). Trong giai đoạn hiện nay, trước bối cảnh kinh tế xã hội, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì các tổ chức kinh tế tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro xuất hiện mỗi lúc một nhiều bởi những tác động tiêu cực. Tinh thần thượng tôn pháp luật lao động của chủ đầu tư với tư cách người sử dụng lao động đang chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, liên quan đến bồi thường thiệt hại cho người lao động do người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đã phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Trên cơ sở thu thập và phân tích thông tin gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, bài viết chỉ ra một số bất cập và kiến nghị nhằm xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể sử dụng lao động theo pháp luật hiện hành đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

TS Phạm Thị Hương Lan (Viện Nhà nước và Pháp luật), qua bài “Giới hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Luật Đất đai hiện hành và những vấn đề đặt ra” đã đưa ra nhận định: Ở nước ta, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Nhà nước điều hành, quản lý đất đai và trao lại quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Người sử dụng đất được quyền dùng quyền sử dụng đất của mình để thực hiện các giao dịch và được Nhà nước bảo vệ các quyền hợp pháp liên quan đến quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ dân sự, quyền sử dụng đất của người dân còn bị hạn chế bởi các quy định pháp luật đất đai hiện hành. Với nhận định này, bài viết phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến giới hạn về quyền sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 10/2022.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 9/2022

Lê Minh Hoàng